Hãy nhập câu hỏi của bạn vào đây, nếu là tài khoản VIP, bạn sẽ được ưu tiên trả lời.
Tham Khảo:
Phía sau làng em, có một con sông xanh biếc chảy ngang qua, đem theo những trù phú và nguồn sống.
Không ai biết con sông tên là gì, có từ bao giờ. Bởi từ những người đầu tiên về đây lập nghiệp thì con sông đã có ở đó rồi. Dòng sông không quá rộng, bề ngang chừng hơn năm mét, quanh năm nước đầy ăm ắp. Nước sông trong xanh, nhưng khi nhìn từ trên xuống sẽ là một màu thăm thẳm, bởi sông khá là sâu. Cũng bởi sông sâu nên rất tĩnh lặng. Mặt sông lúc nào cũng như một mảnh gương lớn, cho đám mây nghiêng soi.
Dưới lòng sông, là một lớp bùn non, là nơi sinh sống của biết bao cua, ốc, hến. Rồi dòng nước mát lành kia cũng là nhà của các loài cá sông tươi ngon. Đó là nguồn sống của rất nhiều người dân trong làng. Hình ảnh những chiếc thuyền nan, cùng chiếc lưới đánh cá, đã quen thuộc đến thành lệ của dân làng nơi khúc sông này. Hai bên bờ sông, là ruộng lúa của làng. Nhờ nguồn nước dồi dào từ sông, mà quanh năm xanh mướt. Thật đẹp xiết bao vào những vụ mùa lúa chín thơm vàng. Nhìn như cả con sông cũng đổi màu.
Dòng sông quê em cứ thế thầm lặng mà len lỏi, yên vị trong trái tim của mỗi người dân làng. Dù đi đâu, ai cũng nhớ về làng, về con sông yêu thương ấy.
Tham khảo :
Quê hương em là một vùng đất tươi đẹp. Nơi đây có cánh đồng lúa rộng mênh mông bát ngát, có bờ đê thoai thoải mà mỗi chiều về lại nô nức lũ trẻ thả diều, có con đường làng gập ghềnh đất đỏ… Nhưng đi xa, em nhớ nhất vẫn là con sông êm đềm chảy phía cuối làng, nơi níu giữ những kỉ niệm đẹp nhất của tuổi thơ em.
Dòng sông quê em lớn lắm. Nghe bà nội bảo, dòng sông ấy chảy từ ngọn núi lớn phía Bắc, băng qua bao núi rừng hùng vĩ, rồi chảy về thôn làng đây. Bàn về dòng sông, thì có nhiều sự tích lắm. nào là sông do nước mắt của nữ thần chảy xuống tạo thành, nào là sông chính là tấm lụa đào của bà tiên rớt xuống… Sự tích nào cũng làm lũ trẻ chúng em phát mê. Tên gọi của dòng sông đến nay cũng vẫn là một thứ còn nhiều tranh cãi. Khi mỗi nơi lại gọi bằng một cái tên khác nhau. Riêng người dân làng em, thì đều gọi nhau bằng cái tên thân mật là sông Cầu. Đơn giản là bởi cả dòng sông dài không có cây cầu nào cả, người dân cứ ngóng mãi mà gọi là sông Cầu.
Suốt bốn mùa, nước sông luôn đầy ăm ắp, nhưng đầy nhất vẫn là vào những tháng mùa mưa. Nước sông một màu xanh ngắt. Một phần vì dưới đáy sông có rất nhiều rêu xanh mọc tự nhiên, nhưng một phần cũng bởi nó đang ánh lại bầu trời xanh biêng biếc ở trên cao kia. Ở những đoạn sông có nhiều rêu xanh ấy, nước rất sâu, có khi phải đến hơn năm mét. Chỉ có tàu thuyền mới dám đi qua đoạn sông này. Còn khúc sông dưới, nơi chảy qua khu dân cư, nước chỉ tầm một đến hai mét, nước trong vắt, dưới đáy toàn là sỏi đá mới là nơi mà mọi người dám ra bơi lội, sinh hoạt. Hai bên bờ sông có. Trong đó những cây dương xỉ là nhiều nhất, rồi cả những bạch đàn, thông… Tất cả đều là của thiên nhiên ban tặng cả.
Dòng sông quê em như là một hiện thân của mẹ thiên nhiên dịu dàng và phẳng lặng. Mặt sông quanh năm bình thản như một mặt gương, chỉ ồn ào tấp nập khi mọi người ùa đến. Dưới lòng sông, ở những khúc sâu, là cả một thế giới của cá, của tôm, của hến. Nên mới có những người quanh năm làm nghề đánh bắt cả, mò ốc, mò hến ở ven sông. Ấy thế mà vẫn đủ cho mấy miệng ăn của cả một gia đình. Sáng sáng, hình ảnh những chiếc thuyền nan nhỏ lênh đênh trên bờ sông, những chiếc lưới đánh cá vung rộng trên mặt nước, những bóng lưng lúi húi đãi hến, tìm ốc, và cả những giọng hò mộc mạc mà mê say văng vẳng, đã là đặc sản riêng của chốn sông quê này. Và rồi, cũng quen thuộc không kém, là những chuyến đò, chuyến thuyền lớn chở người đi qua sông. Người đi bộ, thì ưa đi đò, người có xe máy, ô tô thì phải đi tàu mới có chỗ để xe. Theo đó, mấy chiếc thuyền bán hoa quả, rau củ, bánh kẹo… cũng tấp nập sớm hôm. Mà vui nhất, chính là ở khúc sông phía cuối, nơi không quá sâu và chẳng có tôm có cá. Đó là nơi, mà cứ chiều chiều, lũ trẻ trong làng lại kéo nhau ra nhảy ùm xuống tắm mát. Rồi các bà, các mẹ mang quần áo ra giặt, ra giũ. Hay đơn giản, là những cụ bà, cụ ông, lót cái tàu cau rồi ngồi kể chuyện ngày xưa, khiến lũ trẻ mê tít thò lò. Tất cả cứ bình lặng và giản dị như thế.
Bây giờ, quê hương đã có nhiều thay đổi. Những ngôi nhà cao tầng mọc lên từng dãy, những chiếc cầu lớn bắc qua sông cũng đã được xây lên. Lũ trẻ cũng đã không mấy mặn mà với việc bơi lội dưới sông nữa. Nhưng dòng sông thì vẫn trong vắt và hiền hòa như thế. Luôn dang rộng vòng tay chào đón những đứa con trở về.
Tham khảo:
Tuổi thơ của em gắn liền với những cảnh đẹp của quê hương. Đó là những cánh đồng lúa thẳng cánh cò bay hay con đường quen thuộc in dấu chân quen.... nhưng gần gũi và thân thiết nhất vẫn là dòng sông nhỏ đầy ắp tiếng cười của bọn trẻ chúng em mỗi buổi chiều hè.
Con sông là một nhánh của sông Hồng. Nó chảy qua bao nhiêu xóm làng, qua những cánh đồng xanh mướt lúa khoai rồi chảy qua làng em. Con sông như lặng đi trước vẻ đẹp của xóm làng. Nó trầm ngâm phản chiếu những hàng tre đỏ bóng mát rượi xuống đôi bờ.
Buổi sáng dòng sông như một dải lụa đào thướt tha. Trưa về, nắng đổ xuống làm mặt sông lấp loáng một màu nắng chói chang. Trên những cành tre bên bờ, một gã bói cá lông xanh biếc hay một một chú cò lông trắng như vôi đang lim dim ngắm bóng mình dưới nước. Chiều chiều, bọn trẻ chúng em rủ nhau ra sông tắm. Chúng em đùa nghịch vẫy vùng làm nước bắn tung toé. Phía cuối sông vọng lên tiếng gõ lanh canh của bác thuyền chài đánh cá làm rộn rã cả khúc sông. Buổi tối, ông trăng tròn vành vạnh nhô lên khỏi rặng tre in bóng xuống mặt sông thì dòng sông trở thành một đường trăng lung linh dát vàng. Mỗi khi học bài xong, em và các bạn rủ nhau ra bờ sông hóng mát. Ngồi trên bờ sông ngắm cảnh và hưởng những làn gió mát rượi từ sông đưa lên, lòng em thảnh thơi, sảng khoái đến vô cùng.
Em yêu dòng sông như yêu người mẹ hiền. Sau này dù thời gian có làm phai mờ những kỉ niệm thời thơ ấu nhưng hình ảnh dòng sông quê hương mãi mãi in sâu trong tâm trí em.
“Ai vô xứ Nghệ quanh quanh
Non xanh nước biếc như tranh họa đồ”
Vào xứ Nghệ - mảnh đất giàu truyền thống hiếu học với những nhân tài kiệt sức cùng những đóng góp to lớn và quan trọng cho dân tộc Việt Nam, mảnh đất tuy nghèo khó vô cùng nhưng cũng không thiếu những cảnh sắc thiên nhiên xinh đẹp và lung linh vô ngần. Trong đó, chúng ta không thể không nhắc tới dòng sông Lam hiền hòa chảy qua đất Nghệ An và để lại cho mảnh đất này một phong cảnh tuyệt đẹp.
Nhân một kỳ nghỉ hè, em được bố cho vào Nghệ An du lịch một tuần. Và trong chuyến đi đó, em đã có cơ hội được tận mắt ngắm nhìn vẻ đẹp của dòng sông Lam trong truyền thuyết. Lúc em đi qua dòng sông Lam là khi trời còn tờ mờ sáng, khi mặt trời chưa lên và màn sương vẫn đang bao phủ và giăng mắc khắp nơi nơi trên mảnh đất Nghệ An. Dòng sông Lam là nơi giao nhau của Nghệ An và Hà Tĩnh, nói theo cách khác là nó chảy ở cả hai tỉnh của miền Trung là Nghệ An và Hà Tĩnh. Dòng sông khá rộng và có một cây cầu bắc ngang qua. Dòng sông Lam vào buổi bình minh, ban mai mới đẹp làm sao!
Vào buổi sáng sớm, mặt trời chưa lên và chưa có ánh nắng, một màn sương dày giăng mắc trên mặt sông. Nghe bố em kể là đúng như tên gọi, nước của dòng sông Lam xanh ngắt một màu như ngọc bích vậy. Và lần này, em có cơ hội được chiêm ngưỡng thì quả thực là như vậy. Dòng sông hiền hòa, ôm lấy xóm làng. Nước sông trong veo. Những đàn cá tung tăng, thỏa sức bơi lội trong lòng sông. Xung quanh dòng sông Lam có những lũy tre xanh xanh, ngả bóng xuống mặt sông như những cô thiếu nữ trẻ trung đang làm duyên làm dáng vậy. Mới sáng sớm nhưng trên dòng sông Lam đã tấp nập tàu thuyền qua lại. Một không khí lao động trên dòng sông mới thật náo nức, đông vui và hoạt nhiệt biết chừng nào! Dòng sông Lam không chỉ góp phần tôn thêm vẻ đẹp cho Nghệ An mà còn bồi đắp phù sa cho những xóm làng xung quanh, giúp cải thiện cuộc sống và kinh tế của người dân xứ Nghệ.
Thật hạnh phúc biết bao nhiêu khi em có cơ hội được ngắm nhìn vẻ đẹp của dòng sông Lam xinh đẹp và hiền hòa của đất nước Việt Nam. Em sẽ nhớ mãi hình ảnh của dòng sông xinh đẹp này và mong sẽ có dịp được ngồi trên thuyền và ngắm nhìn rõ hơn vẻ đẹp thuần khiết của sông Lam.
-Tham khảo-
Cánh đồng lúa là nơi mà em yêu thích nhất. Vào những ngày nghỉ, em thường ra thăm ruộng lúa, hít thở bầu không khí thơm lừng ở đó. Ruộng lúa quê em luôn xinh tươi trong mắt em, nhưng nó đẹp nhất chắc chính là vào những ngày mà lúa đã chín vàng.
Đó là những ngày mùa hè nóng bức, nắng đa già, chuyển màu vàng cam, gay gắt, chói lóa đến mức khó mà nhìn thẳng lên vòm mây trên kia. Phía dưới, cả cảnh đồng lúa rộng mênh mông cũng đã chín vàng, nhưng là màu vàng dịu, mát mắt và nồng nàn. Những cây lúa nay đã cao lớn và đầy đặn, chín vàng từ dưới gốc. Chúng chen chúc nhau trong từng thửa ruộng đến vô tình mà che cả lối đi. Nếu muốn di chuyển thì phải lấy tay gạt lúa. Thế nên, nhìn từ trên cao, cả cánh đồng như một thảm lụa đang được phơi giữa trời. Những hạt lúa mặc áo vàng, thân hình tròn đầy, bụ bẫm, hồn nhiên lúc lắc trên cây lúa, chờ ngày được đón về kho rộng. Vì gánh nhiều hạt lúa, thân lúa nào cũng cong trĩu xuống, giống cái lưỡi liềm. Cũng tại thân lúa cong xuống, nên thuở ruộng lại càng trở nên chật chội. Mỗi khi có gió thổi qua, những bông lúa lại đung đưa, chụm đầu vào nhau, tạo nên âm thanh xì xào như chúng đang bàn tán sôi nổi về điều gì đó vậy. Theo hương gió, là mùi thơm nồng nàn của lúa chín, thôi thúc người ta sớm rước chúng về nhà.
Dọc các thửa ruộng, thường được bắt gặp những cô chú nông dân ra thăm lúa. Họ xem xét, trò chuyện để hẹn ngày thu hoạch. Trên các cành cây, những chú chim sẻ ríu rít chờ đợi những bông lúa được hái xuống để có một chầu no nê. Đằng xa phía chân trời, mấy cánh cò trắng muốt bảng lảng lướt qua rồi mất hút phía cuối biển vàng.
Khung cảnh cánh đồng lúa chín thực sự là khung cảnh vô cùng xinh đẹp. Đó không chỉ là vẻ đẹp của thiên nhiên, mà còn là vẻ đẹp của thành quả lao động. Nó đem đến niềm vui và hạnh phúc cho người nông dân.