K
Khách

Hãy nhập câu hỏi của bạn vào đây, nếu là tài khoản VIP, bạn sẽ được ưu tiên trả lời.

3 tháng 1 2018

Biến chuyển trong không gian lúc sang thu được Hữu Thỉnh cảm nhận qua nhiều yếu tố, bằng nhiều giác quan và sự rung động thật tinh tế:

- Hương ổi lan vào không gian, phả vào gió se.

- Sương đầu thu giăng mắc nhẹ nhàng gợi lên vẻ đẹp êm dịu của bức tranh thiên nhiên, những cánh chim bắt đầu vội vã ở buổi hoàng hôn.

- Cảm giác giao mùa được diễn tả thú vị qua đám mây mùa hạ "vắt nửa mình sang thu".

- Nắng cuối hạ vẫn còn nồng, còn sáng nhưng nhạt dần. Những ngày giao mùa này đã ít những cơn mưa rào ào ạt, bất ngờ.

- Lúc này cũng bớt đi những tiếng sấm bất ngờ gắn cùng những cơn mưa rào mùa hạ thường có.

- Cần cảm nhận được sự tinh tế của nhà thơ thể hiện trong những từ ngữ diễn tra cảm giác, trạng thái: bỗng, phả vào, chùng chình, hình như, dềnh dàng, vắt nửa mình…

8 tháng 1 2018

Đáp án cần chọn là: D

17 tháng 1 2017

Biện pháp nhân hóa:

    + Sương chùng chình: nghệ thuật nhân hóa, kết hợp với từ láy gợi hình, diễn tả hình ảnh dòng sông êm đềm lững lờ trôi như lắng lại phù sa, khác với hình ảnh dòng sông mùa hạ giông bão.

    + Chim vội vã - nghệ thuật nhân hóa gợi lên hình ảnh những đàn chim dường như cũng vội vã hơn bởi chúng cũng đã cảm nhận được hơi se lạnh của mùa thu.

    + “Có đám mây mùa hạ/ Vắt nửa mình sang thu”: nghệ thuật nhân hóa độc đáo và thi vị nhất trong bài sang thu, đám mây như dải lụa mềm mại, uyển chuyển trên bầu trời, chiếc cầu nối mỏng manh giữa hai mùa.

       - Nghệ thuật đối: Sương chùng chình >< Chim vội vã - Vận động tương phản, tự nhiên muôn hình vạn trạng.

→ Nghệ thuật nhân hóa, đối khiến cho hình ảnh tự nhiên trở nên gần gũi, thân thuộc với con người, có sức truyền cảm tới người đọc cũng như gợi lên nhưng liên tưởng thú vị.

27 tháng 6 2018

Sự biến đổi của đất trời sang thu được cảm nhận từ sự tinh tế của tác giả:

   + Bỗng: sự ngạc nhiên, bâng khuâng trước sự biến đổi của đất trời

   + Hương ổi phả trong gió se

   + Sương chùng chình qua ngõ

- Khoảnh khắc giao mùa mang tới cảm nhận ngỡ ngàng, xao xuyến trong tâm trạng tác giả

- Nhà thơ gợi tả sự biến chuyển khoảnh khắc sang thu bằng nhiều yếu tố, nhiều giác quan:

   + Chim vội vã, sông dềnh dàng

   + Đám mây mùa hạ "vắt nửa mình sang thu"- hình ảnh giàu sức biểu cảm

→ Cảm nhận tinh tế, có chọn lọc của nhà thơ thông qua những quan sát chân thực

30 tháng 4 2018

Nếu mùa xuân là mùa hội tụ của những bàn tay nghệ sĩ tài hoa thì mùa thu bước vào thơ ca cũng tự nhiên và gần gũi. Trước đây Nguyễn Khuyến nổi tiếng với ba bài thơ thu: “Thu điếu”, “Thu vịnh”, “Thu ẩm”, sau này Xuân Diệu có “Đây mùa thu tới”. Nhỏ nhẹ, khiêm nhường, Hữu Thỉnh cũng góp vào cho mùa thu đất nước một góc quê hương sang thu:

“Bỗng nhận ra hương ổi

Phả vào trong gió se

Sương chùng chình qua ngõ

Hình như thu đã về

Sóng được lúc dềnh dàng

Chim bắt đầu vội vã

Có đám mây mùa hạ

Vắt nửa mình sang thu”

Đoạn thơ có cái hương vị ấm nồng của chớm thu ở một miền quê nhỏ. Tín hiệu đầu tiên để tác giả nhận ra là hương ổi phả trong gió. Mùi hương quê nhà mộc mạc được gió đưa trong không gian cứ lan tỏa, thoang thoáng bay. Cảm giác bất chợt đến với nhà thơ “Bỗng nhận ra”. Một sự bất ngờ mà như đã đợi sẵn, đợi từ lâu rồi, để giờ đây có dịp là buông ra ngay. Trong số chúng ta chắc chắn không ai chưa một lần nếm vị ổi giòn ngọt, chua chua nơi đầu lưỡi. Cái dư vị của hương thơm đó cứ vấn vương lại trong ta khi chợt đọc câu thơ của Hữu Thỉnh. Có hương ổi. Và gió. Và sương. Mùa thu lại về. Mùa thu mang theo hương quê và mang theo sương mờ ướt lạnh. Dường như có thêm sương nên thu dễ nhận hơn. “Sương chùng chình qua ngõ” hay là chờ đợi gì đây? Cứ dần như thế, cứ nhẹ nhàng, mềm mại như thế, thu đến tự lúc nào không hay. “Hình như thu đã về”. Nhà thơ giật mình, hơi bối rối. Tự bao giờ nhỉ? Thu về? Từ hương hay từ gió, hay từ sương? Hữu Thỉnh cũng hơi ngỡ ngàng trước thoáng đi bất chợt của mùa thu. Thu về, thu lại về trên quê hương, trên những con đường bờ đê và trên cả những con sông, cánh chim trời.

Cái bỡ ngỡ ban đầu vụt tan biến đi nhường chỗ cho sự rung cảm mãnh liệt trước mùa thu:

“Sông được lúc dềnh dàng

Chim bắt đầu vội vã

Có đám mây mùa hạ

Vắt nửa mình sang thu”

Con sông quê hương dềnh nước mùa thu. Những cánh chim bay đi vội vã. Tất cả đều hối hả, xôn xao khi thu về. Không còn cái gay gắt của mùa hè nóng nực, chỉ còn lại một bầu không gian ẩm ướt và se se lạnh. Một thoáng rối lòng để rồi nhường lại cho mùa thu. Mùa thu vừa mới chớm rất nhẹ, rất dịu, rất êm, mơ hồ như cả đất trời đang cựa mình thay áo mới. Hữu Thỉnh không tả trời thu “xanh ngắt mấy tầng cao” như Nguyễn Khuyến mà chỉ điểm vào bức tranh thu một chút mây vương lại của mùa hè qua:

“Có đám mây mùa hạ

Vắt nửa mình sang thu”

Mây trời vắt nửa mình sang thu. Lối diễn đạt của nhà thơ thật độc đáo. Hình như trong đám mây đó còn có lại một vài làn nắng ấm mùa hè nên mới “vắt nửa mình”. Thu về làm cho bao cảnh vật đổi thay và đám mây cũng khác lạ.

Với một đoạn thơ ngắn vỏn vẹn hai khổ mà nhà thơ đã dựng lại một bức tranh thu nồng đượm hơi ấm cuộc đời, hơi ấm quê nhà. Những hình ảnh sang thu thân quen, giản dị mà tươi tắn, sống động. Với những từ láy: “chùng chình”, “dềnh dàng”, “vội vã” và một giọng thơ vừa có thoáng ngỡ ngàng, vừa vui sướng, Hữu Thỉnh đã đưa ta về một miền quê dân dã mà ấm áp tình người. “Sang thu”- một hình ảnh quê hương tự nó đã tôn thêm vẻ đẹp cho đất nước, cho quê nhà, cho đồng quê trong mùa thu chung của đất trời Việt Nam.

3 tháng 5 2019

Có phải các nhà thơ luôn có một tâm hồn nhạy cảm và tràn đầy tình yêu đối với cái đẹp của thiên nhiên và con người? Cũng vì vậy, mà trong những khoảnh khắc giao mùa, cảm xúc của họ dâng trào trước sự biến chuyển tinh tế của đất trời và vạn vật. Hữu Thỉnh - nhà thơ của vùng quê hương Vĩnh Phúc- đã viết bài Sang thu của ông vào năm 1977, trong một dịp như thế, khi mùa hạ sắp ra đi và mùa thu chớm đến. Ngòi bút tài hoa của ông đã đặc tả bức tranh giao mùa rất đẹp trong những câu thơ sau:

"Bỗng nhận ra hương ổi

...

Vắt nửa mình sang thu..."

Hai khổ thơ trên nằm ở phần đầu bài thơ Sang thu, được làm theo thể thơ 5 chữ vốn rất ngắn gọn, súc tích và giàu nhạc điệu, mang tính hiện đại. Từng hình ảnh thơ rất bình dị, đưa người đọc vào thế giới mùa hạ chuyển mùa thu trong veo...

Mở đầu bài thơ, tác giả viết: "Bỗng nhận ra hương ổi". Câu thơ mở đầu như dắt taychúng ta đi vào một khu vườn thơm ngát hương trái cây chín ngọt. Ai đã từng biết vùng quê Vĩnh Phúc của tác giả thì không thể không biết đến những vườn ổi xanh tươi, trái chín ngọt lịm từng chùm trĩu nặng cả cành. Đó chính là nét đẹp tuyệt vời của xóm thôn nơi này. Sự đặc sắc trong cảm thụ thiên nhiên của tác giả chính là cảm nhận bằng khứu giác: hương ổi. Còn gì bâng khuâng hơn trái tim thi nhân, khi cuối hạ, đầu thu, đất trời báo tin thu bằng mùi ổi chín thoang thoảng trong làn gió se se, mùi ổi ngan ngát của thế giới tuổi thơ, như ru trái tim ta trong yêu mến, say mê. Nhiều nhà thơ cũng từng cảm nhận thu qua hương vị đặc trưng của quê hương. Chẳng hạn như Nguyễn Đình Thi từng viết:

"Gió thổi mùa thu hương cốm mới

Tôi nhớ những ngày thu đã xa..."

Lại là sự xuất hiện của một mùi hương thân thuộc đặc trưng khi thu về. Nếu hương cốm làng Vòng làm xao động tình thu của nhà thơ Hà Nội, thì hương ổi chín thơm ngon lại lay động cảm xúc thơ của thi nhân Vĩnh Phúc. Thế mới biết, các nhà thơ có khi gặp gỡ nhau ở những điểm rất tình cờ, nhưng lại cũng như quy luật định sẵn của nghệ thuật.

Mùi thơm ổi chin xuất hiện ngọt ngào trong câu thơ Hữu Thỉnh. Bên cạnh đó, từ "bỗng" trong câu thơ đầu được Hữu Thỉnh sử dụng đã thể hiện thành công cái tâm trạng thảng thốt nhẹ nhàng khi phát hiện ra mùi hương ổi vừa quen, vừa lạ đã đột ngột tràn đến trong không gian xóm làng, và chiếm cả cõi lòng nhà thơ yêu thu.

Và để đặc tả sự chiếm lĩnh không gian của hương ổi, Hữu Thỉnh chọn một động từ:

"Phả vào trong gió se"

Thế nào là "phả"? Ta có thể hiểu là hương ổi thơm ngọt ấy vừa nhẹ nhàng, vừa nồng nàn ùa vào trong gió. Gọi đây là một động từ mạnh cũng được, mà cho rằng là một động từ trạng thái nhẹ nhàng cũng được, nó đã tả rất đúng cái dịu ngọt của mùi hương quả chín khi thuvề. Nhà thơ cũng không tả trực tiếp hương ổi, mà để người đọc cảm nhận nó qua "gió se", như thể gió heo may mùa thu đã đem hương ổi chín tràn về theo cái mát mẻ, hiền hòa của nó. Hiểu như vậy, có nghĩa là mọi sự vật hiện tượng của thiên nhiên đều được Hữu Thỉnh đặt trong mối tương quan mật thiết, chúng đều có liên hệ với nhau, rất hữu tình. Vì thu sắp đến nên gió se, ổi chín; hay vì hương ổi gọi gió thu về cho tim người lay động? Từ cảm nhận bằng khứu giác, bây giờ thi sĩ chuyển sang xúc giác để thấu cảm hết cái dịu dàngcủa thiên nhiên trong khoảnh khắc giao mùa...

Và không chỉ có hương ổi, gió se báo hiệu thu về, Hữu Thỉnh còn miêu tả những biến chuyển của vạn vật, trong đó có hình ảnh:

"Sương chùng chình qua ngõ"

Câu thơ có sử dụng một biện pháp tu từ khá quen thuộc, đó là biện pháp nhân hóa, miêu tả cái ung dung, chậm rãi của màn sương mờ. Không vội gì, làn mù sương của mùa thu ấy như hững hờ, nửa muốn nửa không đến nơi này. Có lẽ từ láy "chùng chình" ở đây được sử dụng không gì tài hoa hơn. Nó thực chất là một từ tượng hình, cũng là một từ tả tâm trạng. Sương thu cũng có tâm trạng ư? Hay cái chầm chậm, luyến lưu ấy là từ lòng người mà ùa ra cảnh vật? Bức tranh thu trở nên huyền ảo, khi người đọc hình dung ra phong cảnh sương thu giăng mắc trên cành cây ngọn cỏ, lặng lẽ buông xuống bên ngõ nhỏ nhà ai, trong một buổi sớm tình cờ, để con người phát hiện:

"Hình như thu đã về"

Đây là một câu hỏi tu từ, nên nó không cần câu trả lời. Hay nói đúng hơn, bản thân câu hỏi đã là câu trả lời: thu đã đến hay chưa, mà đất trời biến chuyển tinh tế đến vậy. Thế đấy, từ hương ổi, mà nhà thơ liên hệ đến ngọn gió se, khô, nhẹ, hơi lạnh của mùa thu, rồi cảm nhận thu qua những rung động mơ hồ, vừa động, vừa tĩnh của sương thu. Thiên nhiên được miêu tả với nét đẹp mơ hồ, huyền ảo mà thật lôi cuốn lòng người...

Nếu như khổ thơ đầu thể hiện sự thảng thốt của thi nhân khi phát hiện ra những biến chuyển tinh tế của thiên nhiên, thì khổ thơ thứ hai lại bộc lộ những quan sát tinh tế và đầy cảm xúc:

"Sông được lúc dềnh dàng

Chim bắt đầu vội vã

Có đám mây mùa hạ

Vắt nửa mình sang thu"

Nhà thơ liệt kê khá nhiều hình ảnh: sông, chim, mây... Có thể nói đây là những hình ảnh thiên nhiên rất quen thuộc trong thi ca, rất đẹp và giàu cảm xúc.Dưới ngòi bút của Hữu Thỉnh, chúng đột nhiên mang những nét rất riêng, rất đặc biệt.Nhà thơ sử dụng phép tu từ cũng rất quen thuộc: thủ pháp nhân hóa các hình ảnh thiên nhiên, nhưng lại vận dụng thật tài tình: sông thì như khoan thai suy tư, mà những cánh chim thì vội vàng bay về phương Nam tránh rét. Hai từ láy dềnh dàng, vội vãthể hiện hai trạng thái đối ngược nhau: một đằng thì chậm rãi, từ tốn; một đằng thì gấp gáp chuyển động. Vì sao vậy?Mùa hạ oi bức, sôi động đã qua, những dòng sông cuồn cuộn phù sa, nay trở nên hiền hòa thanh thản, đó là một quy luật của tự nhiên, và cũng là một nét đẹp chuyển thu kỳ diệu. Dòng sông thanh thản đón chào thu, nhưng bầy chim xao xác trên không thì lại cảm nhận được cái se sắt của thời tiết, nên chúng vỗ cánh gấp hơn, bay về phương nam, chở bao nỗi bâng khuâng trên đôi cánh vội. Thu đã bắt đầu về đây! Lòng người cũng nao nao xúc cảm với dòng sông, với đàn chim bay đi xa...

Sông chuyển thu, đàn chim mùa thu... Còn đám mây trôi kia thì sao? Và có lẽ độc đáo nhất trong khổ thơ giữa, vẫn là hình ảnh "đám mây mùa hạ, vắt nửa mình sang thu". Tứ thơ hay vì nó đem lại những cách hiểu đặc biệt. Nên hiểu thế nào về hình ảnh thơ này nhỉ? Đám mây mùa hạ vốn mang trong mình bao cơn mưa rào náo động, mang tiếng sấm ồn ào rơi trên cánh đồng, ngọn núi. Đám mây ấy vẫn còn đây, nhưng sắc xám cólẽ ngả sang trắng, và nó bồng bềnh hơn, nên thơ hơn, như chứa trong mình nửa mảnh mùa thu êm đềm. Cụm từ "vắt mửa mình" thật giàu sức biểu cảm và có ý nghĩa bất ngờ. Mùa hạ chưa đi hẳn mà thu thì đã đến rồi. Đất trời đang làm một cuộc chuyển giao kỳ diệu xiết bao, mà mỗi chi tiết trong bức tranh vạn vật đều hết sức tinh tế và được chọn lọc kỹ càng.Một đám mây mà mang cả sắc hạ và màu thu, đám mây ấy là đám mây của lúc giao mùa đẹp và đầy xúc cảm.

Với một lối sử dụng từ ngữ, hình ảnh bình dị mà chọn lọc, cách cảm nhận thiên nhiên từ nhiều giác quan, từ nhiều góc nhìn, nhà thơ Hữu Thỉnh đã đem lại một áng thơ hay về mùa thu, góp vào vườn thơ Thu của dân tộc một bông hoa giàu sắc hương. Tác phẩm Sang thu sẽ còn lay động tâm hồn người đọc nhiều thế hệ, không phải chỉ bởi tài thơ của tác giả, mà cỏn ở tâm hồn yêu thiên nhiên, yêu quê hương đất nước thiết tha của ông. Qua thơ Hữu Thỉnh, người đọc trẻ càng trân trọng hơn nữa từng khoảnh khắc quê hương ta, và thêm yêu mến, biết ơn những nhà thơ tài hoa đem những khoảnh khắc đó vào thi ca để chúng thêm đẹp, thêm thơ...