Mẹ Lý Tư mặt đỏ bừng bừng, lớn tiếng quát mắng: “Mày đúng là đồ vô dụng. Chỉ có đi thi mà cũng không xong, nhìn xem con nhà người ta thế nào kìa! Ôi xấu hổ quá đi mất!”
Lý Tư cũng không phải lần đầu tiên nghe thấy những lời mắng chửi như thế này, nó đã trở thành thói quen rồi, cô im lặng cúi đầu, khuôn mặt không gợn chút cảm xúc
Lý Tư sinh ra và lớn lên ở một huyện gần thành phố. Bố cô là quân nhân sắp về hưu còn mẹ buôn bán nhỏ ở chợ. Điều kiện gia đình vô cùng bình thường, nhưng mẹ cô luôn muốn có chút tiếng tăm nên ép cô thi vào trường cấp ba trọng điểm của thành phố. Do học lực không tốt, cô rớt vào một trường hạng ba (trường cấp ba ở thành phố Lý Tư được chia thành chuyên, trọng điểm, hạng ba). Vì thế, khi vào học tại ngôi trường này, đối với Lý Tư là một điều đáng hận.
Bởi học lực không tốt nên dễ tưởng tượng ra thành tích của cô không tốt mấy. Cộng thêm tính cách quái gở trầm mặc ít lời, thành tích kém, từ đầu đến chân Lý Tư không hề thuộc dạng giáo viên thích. Có lẽ vậy mà thầy Tuân – giáo viên chủ nhiệm không hề vừa mắt cô. Sau buổi sinh hoạt đầu tiên của năm học lớp mười, cô được giao chức Bí thư. Nghe thì có vẻ oai phong nhưng thực chất chả khác nào chân chạy vặt. Suốt ngày chạy từ phòng giáo viên, văn phòng, thư viện để làm mấy chuyện vặt vãnh. Mà Lý Tư càng im lặng chấp hành, thầy Tuân càng giao cho cô nhiều việc.
Có điều, bố mẹ rất quan tâm đến thành tích học tập của cô. Thứ hạng trong lớp của Lý Tư thường không cao, nhưng họ luông mong muốn cô đạt thành tích tốt. Thầy cô và gia đình làm Lý Tư vô cùng áp lực và cô đơn. Nhưng ngoài những chuyện đó ra, cuộc sống của Lý Tư vô cùng bình thường.
Bước vào năm học mới, Lý Tư gặp cô giáo Thùy dạy toán, mụ phù thủy đè nặng tâm lý cô mỗi khi nghe thấy đến giáo viên. Mỗi lần Lý Tư đọc được đâu đó về mấy câu như “Giáo viên như mẹ hiền”, cô liền cảm thấy cực kì buồn nôn. Kinh ngiệm cuộc sống của Lý Tư cho cô biết giáo viên có người tốt kẻ xấu, nhưng đáng ghét như cô giáo Thùy thì đúng là lần đầu trải nghiệm. Nếu học sinh nào có ba mẹ làm quan hay có tiền, lại còn xinh đẹp học giỏi thì chắc chắn giáo viên sẽ cực kì dịu dàng quan tâm đến bạn đó. Tuy nhiên, nếu ba mẹ bạn không làm quan, không giàu có, bạn lại vừa học kém thì bạn sẽ trở thành cái sọt rác, hứng chịu mọi sự chỉ trích hoặc là họ sẽ dùng ánh mắt châm chọc không ngừng nhìn về phía bạn.
Cô giáo Thùy rất thích mang Lý Tư so sánh với Đình Nhẫn, cậu bạn ngồi phía sau cô. Trong mắt mọi người Đình Nhẫn chẳng khác nào “đại thần”, lớp Lý Tư sỉ số học sinh nam ít nhất trường, chỉ vỏn vẹn có bảy người, Đình Nhẫn nằm ở top đầu tự nhiên của lớp, lại vô cùng điển trai. Vì thế không hẹn mà gặp, Lý Tư trở thành thứ làm nền cho cậu ta. Mỗi khi cô phát biểu sai, không biết làm bài tập hay có chút không tập trung thì chắc chắn cô giáo Thùy sẽ mang cô và Đình Nhẫn lên bàn cân. Nào là cậu ta chăm chỉ thế này, giỏi giang thế nọ… càng ngày cô giáo Thùy càng quá đáng, tần suất cô bị mang ra so sánh ngày càng nhiều, có đôi lúc Lý Tư còn tưởng rằng cô giáo Thùy yêu thầm Đình Nhẫn, không được ngồi gần cậu ta nên ra sức ghen ghét chì chiết cô.
Người lớn cứ nghĩ trẻ con không biết gì. Nhưng kì thực tâm hồn chúng rất nhạy cảm. Chúng cũng biết “mất mặt” khi bị răn dạy trước mặt người khác, cũng biết xấu hổ mặt đỏ bừng bừng. Lý Tư càng im lặng chịu đựng, cô giáo Thùy càng coi thường, lần nào trả bài cũng kêu đúng tên cô, châm chọc, còn hay liếc mắt chế giễu cô.
Câu nói Lý Tư nghe nhiều nhất từ miệng cô giáo Thùy chính là: “Tại sao em học hành tệ hại thế hả? Sao không chịu nhìn Đình Nhẫn mà học tập, người ta học giỏi rồi thì không nói, em sao không xem lại mình đi.”
Dưới sự khinh miệt của cô giáo Thùy, các bạn trong lớp đã bị ảnh hưởng, các bạn tránh né cô, không muốn trò chuyện với cô. Sau vài lần cố gắng bắt chuyện, Lý Tư đã bắt đầu hiểu ra, cô tự động tách biệt với mọi người, khi mọi người cùng nhau vui đùa, cô lại ngồi ngẩn ngơ ngắm trời mây.
Lý Tư ở nhà cũng chả khá hơn. Mẹ cô từ nhỏ đã không thích cô, nói rằng do sinh ra cô mà gia đình làm ăn không lên. Nên ngày đêm cầu thần cầu phật để sinh được đứa con trai. Năm Lý Tư học lớp ba, mẹ cô sinh được con trai, cả nhà ai cũng vui vẻ, ngoại trừ Lý Tư. Bởi cô hiểu rằng, ba mẹ vốn không yêu thương mình, nay lại có em trai, cô trong gia đình không phải trở thành kẻ thừa thãi sao.
Ở nhà, cô cô đơn một mình, cái gì cũng phải nhường em, thứ mà em trai chưa chọn được tuyệt đối không tới lượt cô. Ở trường học, cô cô đơn một mình, cô giáo và bạn bè đều không thích cô. Ở nhà cô thường ngồi một mình trong phòng, lặng im nhìn em trai và bố cô chơi đùa vui vẻ; ở trường học, cô thường đứng từ xa, lặng im nhìn các bạn trò chuyện.
ѳѲѳ
Hôm nay là đầu tuần, cả trường phải làm lễ chào cờ. Theo thông lệ thầy hiệu trưởng sẽ lên bục phát biểu, khen ngợi các lớp đạt thành tích cao, phê bình các lớp chưa làm tốt. Tiết mục này chưa bao giờ Lý Tư hứng thú. Dù sao ai được tuyên dương hay phê bình cũng không liên quan đến cô. Thông tin hay ho nhất mà cô nghe được trong suốt cả buổi lễ chính là: để theo kịp chương trình và nâng cao thành tích của học sinh, nhà trường sẽ tăng các tiết tự học và kiểm tra lên. Năm học này đúng là ông trời muốn làm khó cô rồi!
Tiết học đầu tuần là môn Toán. Cô giáo Thùy đứng trên bục giảng, từ tốn nói: “Thứ tư tuần sau các em có tiết kiểm tra Toán. Ôn tập kĩ vào, đề sẽ khó đấy.”
Cô giáo Thùy nói đông nói tây cuối cùng cũng nói đến cô: “Ai thì cô không biết, đặc biệt là em đấy Lý Tư, nhất định phải cố gắng hơn nữa, có nghe rõ chưa!”
Lý Tư đang chăm chú vẽ vời vào quyển bài tập toán, vừa nghe thấy câu nói của cô giáo Thùy liền cảm thấy lạnh sống lưng. Từ lúc nào mà cô giáo Thùy lại quan tâm đến cô như vậy chứ, đúng là giả tạo chết người. Cô giáo Thùy vừa bước ra khỏi lớp, cô liền thở phào nhẹ nhõm. Mỗi lần đến tiết cô giáo Thùy, Lý Tư chả khác nào bị đè dưới núi Ngũ Hành Sơn, bức bối khó chịu vô cùng.
Tuy nhiên, tuần học đầu tiên này lại không thuận lợi cho lắm. Tổng kết đánh giá cuối tuần mang đến cho Lý Tư hai nỗi bất hạnh: đầu tiên, cô bị xếp đầu từ dưới đếm lên trong lớp, điều thứ hai là phải chép mười trang tập bài phạt. Sau khi nghe chủ nhiệm Tuân “tuyên án”, Lý Tư như quả bóng xẹp, nằm dài ra bàn, không màng đến những lời sau đó của chủ nhiệm Tuân.
Lý Tư trở về nhà. Cô vừa đi vừa đau đầu suy nghĩ, nếu để ba mẹ biết tuần học đầu tiên của cô đã phải chép bài phạt, chắc chắn sẽ nổi trận lôi đình. Con đường hôm nay lại dài ra thêm rồi thì phải, Lý Tư càng đi càng chán nản, vừa không muốn về nhà, lại không có chổ để đi. Nghĩ đi nghĩ lại, cuối cùng cô vẫn phải thất thỉu lê từng bước về nhà mà thôi.
Thứ hai, chủ nhiệm Tuân thay đổi chỗ ngồi của các bạn trong lớp, học sinh có thành tích tốt sẽ được xếp ngồi cùng người có thành tích kém hơn để có thể “đôi bạn cùng tiến”. Lý do thay đổi chỗ ngồi là do tuần trước lớp Lý Tư bị phê bình vì thành tích học tập trong lễ chào cờ, chủ nhiệm Tuân bị bẽ mặt, nên quyết định đưa ra “kế sách” này.
Đối với Lý Tư không hề vui vẻ gì. Cô được xếp ngồi cạnh “đại thần” Đình Nhẫn. Một người quá nổi trội, kẻ lại quá mờ nhạt, lại ngồi cạnh nhau tạo nên sự đối lập không gì che giấu nổi. Và tất nhiên giữa cô và cậu ta có quá nhiều sự đối lập. Thành tích cậu ta nổi bật, có rất nhiều bạn bè, luôn được các bạn chào đón. Nữ sinh của lớp thì càng thích cậu ta, bởi vì cậu ta hay mua nước mời họ, giúp họ giải bài tập khó. Khi đến lớp, cậu ta luôn chăm chú nghe giảng, nhưng khi tiếng chuông vang lên một cái, liền chạy vọt ra sân cùng mọi người đá bóng, mà Lý Tư thì luôn ngồi ì một chỗ hoặc nằm dài ra bàn nhìn ngắm mọi thứ xung quanh.
Trong nhà cô đơn tĩnh mịch, cô cũng quen rồi. Dù sao Lý Tư cũng có thể đọc sách, trong sách có rất nhiều thứ thú vị; em trai đáng ghét ăn hiếp cô, cô có thể né tránh, mọi thứ đều là “Người chị tốt phải biết nhường nhịn em trai”; cô giáo Thùy không hài lòng về cô, dù sao cũng chỉ mấy mươi phút tra tấn trong tiết học thôi, hoàn toàn có thể chịu đựng được, nhất định phải ghi nhớ chăm ngôn “Học sinh thì không được cãi lời thầy cô, phải mỉm cười lắng nghe.”
Nếu mọi ngày đều trôi qua như thế thì cũng có thể xem như bình an. Nhưng cuộc sống vốn dĩ không êm đềm bao giờ. Khi bạn có chút hy vọng đang nhen nhóm, thì cuộc sống sẽ bùng lên một ngọn lửa đốt cháy hy vọng ấy. Đến khi bạn bình tĩnh chấp nhận, cuộc sống lại tung ra một cơn sóng trào dữ dội, cuốn phăng đi sự cố gắng nhẫn nhịn của bạn.