Nguyên tắc 'tắm' ngôn ngữ khi học tiếng Anh
Nguyên tắc 1: Nghe càng nhiều càng tốt
Mình viết dựa trên trải nghiệm học tiếng Anh của bản thân, cũng như quan sát quá trình học ngôn ngữ của các con và học sinh. Các nguyên tắc không chỉ hiệu quả đối với lứa tuổi 0-6 mà có thể áp dụng với bất kỳ lứa tuổi nào để học một ngoại ngữ.
Phương pháp dạy ngoại ngữ thông qua việc “tắm” ngôn ngữ chính là cách tuyệt vời nhất để bắt đầu dạy con dù bạn biết nhiều, biết ít hay thậm chí không biết ngoại ngữ đó. Đây là phương pháp phù hợp áp dụng cho mọi lứa tuổi và tuân theo quy luật rất tự nhiên của quá trình phát triển ngôn ngữ.
Hãy hình dung một đứa trẻ 3 tuổi ở bất kỳ quốc gia nào, nếu phát triển bình thường, đều có thể nói được ngôn ngữ ở quốc gia đó. Đó là bởi vì đứa trẻ đã được nghe những người xung quanh nói chuyện và ghi nhận vào bộ não việc ngôn ngữ ấy được sử dụng như thế nào và trong hoàn cảnh nào. Ngôn ngữ mà trẻ tiếp thu được trong giai đoạn 0-3 tuổi sẽ đi vào tiềm thức, vì vậy trẻ sẽ ghi nhớ một cách tự nhiên và bật ra theo bản năng.
Khi mình dạy bé đầu tiếng Anh từ lúc chín tháng tuổi hay bé thứ hai lúc mới hai tuần tuổi, nhiều người bảo “nó đã biết nói đâu mà dạy” hay “nói thế nó có hiểu không?”. Mình sẽ trả lời “cháu vẫn hiểu và cháu đang nghe đấy”.
Đừng chờ trẻ trẻ con biết nói mới dạy nó, input phải vào trước thì mới ra output chứ, đừng chờ có output rồi mới cho thêm input. Nếu bạn chưa thấy output nghĩa là input chưa đủ hoặc chưa đúng. Giống như đứa trẻ Việt đã tiếp thu ngôn ngữ từ lúc chào đời thậm chí từ lúc còn trong bụng mẹ nên đến 1 tuổi là bắt đầu bập bẹ, 2 tuổi đã nói rành rọt và muộn lắm thì 3 tuổi đã thành thạo tiếng Việt ấy.
Quy tắc phát triển kỹ năng ngôn ngữ là theo thứ tự: Nghe - Nói - Đọc - Viết. Trong 4 kỹ năng này thì Nghe và Đọc đóng vai trò là input hay còn gọi là receptive skills, còn Nói và Viết đóng vai trò là output hay còn gọi là productive skills. Muốn nói giỏi thì phải nghe nhiều, muốn viết giỏi thì phải đọc nhiều. Vì vậy nếu bạn muốn con bạn nói giỏi tiếng Anh, hãy cho chúng nghe thật nhiều.
Hai hình thức nghe
Nghe có thể chia làm hai loại: nghe có chủ đích và nghe vô thức.
Nghe vô thức, hay còn gọi là “tắm” ngôn ngữ, là cách tuyệt vời để bắt đầu cho trẻ 0-3 tuổi và nên duy trì cho trẻ cũng như cho bất kỳ ai ở lứa tuổi nào muốn nâng cao khả năng ngoại ngữ. Bất kỳ lúc nào trong ngày, cha mẹ cũng có thể bật các bài hát tiếng Anh hoặc các file nghe tiếng Anh để trẻ nghe một cách vô thức trong lúc chơi và sinh hoạt.
|
Nếu muốn dạy ngoại ngữ từ sớm cho trẻ, phụ huynh nên để trẻ tiếp xúc với ngôn ngữ đó càng nhiều càng tốt. Ảnh: Stacker |
Nghe có chủ đích là việc nghe kết hợp với học, thường có thể áp dụng được một cách rõ ràng hơn khi trẻ lớn hơn một chút, mà theo kinh nghiệm của mình là từ khoảng chín tháng hoặc 1 tuổi trở đi, tùy theo sự phát triển nhanh chậm của trẻ.
Bên dưới mình sẽ đi sâu vào hoạt động nghe có chủ đích để học.
Nghe cái gì?
Để tăng khả năng nghe, trẻ có thể bắt đầu bằng việc nghe các bài hát tiếng Anh đơn giản, bởi ngôn ngữ có giai điệu kết hợp với âm nhạc kích thích thính giác giúp trẻ dễ thuộc hơn.
Các bài hát cho trẻ có thể tìm thấy vô vàn trên Youtube từ các nhà cung cấp như supersimplesong, chuchuTV, hooplazkidz, dreamenglish... Trẻ nên bắt đầu từ các bài hát đơn giản, phổ thông (search "nursery rhymn for kids" hay "kids songs").
Song song với bài hát, cha mẹ có thể cho trẻ nghe các video theo chủ đề để nâng cao vốn từ vựng. Bạn chỉ cần search "animal songs" hay "counting songs" thì sẽ ra rất nhiều video trên Youtube. Khi lựa chọn video theo chủ đề, cha mẹ nên tìm những video có hình ảnh và âm nhạc đơn giản, đảm bảo phần lời và tiếng được phát âm rõ ràng, không bị át bởi nhạc. Nếu có chữ đi kèm, chữ cần xuất hiện rõ ràng, chạy với tốc độ chậm và theo từng từ một, rồi khi trẻ thạo hơn mới tăng độ khó lên cấp độ câu.
Một nguồn học liệu phong phú và dễ hiểu với bé nhất chính là cuộc sống xung quanh, vì thế các chủ đề nên gần gũi để bé có thể học qua thực tế. Cụ thể, bé nên bắt đầu từ các bộ phận cơ thể, rồi đến các đồ vật quanh nhà, thức ăn, màu sắc (cho trẻ từ 2 tuổi trở lên, vì trẻ 2 tuổi mới có khả năng phân biệt được màu sắc), quần áo, cảm giác nóng lạnh, vật nuôi...
Với cùng một từ hay chủ đề, bố mẹ nên kết hợp nhiều hình thức học liệu để con hình dung ra sự vật hiện tượng một cách rõ ràng hơn và cũng là cơ hội được nhắc lại từ nhiều lần hơn. Chẳng hạn, học từ cái tất (socks), bố mẹ nên cho con đi tất, xem hình ảnh đôi tất, vẽ đôi tất... kết hợp nghe, nói trong lúc thực hiện các hoạt động này.
Trên thị trường hiện nay có những phần mềm được thiết kế để dạy trẻ Tiếng Anh từ sớm rất hữu ích như Monkey Junior mà mình đang cho con sử dụng. Phần mềm giúp bé có thể vừa nghe, vừa nhìn từ, và hình ảnh cũng rất sinh động nên tiếp thu tốt hơn.
Sử dụng phần mềm, bố mẹ sẽ tiết kiệm được thời gian chuẩn bị học liệu cho con, đặc biệt nếu bạn áp dụng dạy chữ cho con sớm. Ngoài ra, các bài học đã được thiết kế để từ vựng xuất hiện có tính lặp lại thường xuyên trong app, sẽ trẻ ghi nhớ phần ngôn ngữ đích tốt hơn. Những phần mềm này hữu ích cho các bố mẹ không giỏi tiếng Anh vì bài học đã được sắp xếp theo các cấp độ từ dễ đến khó.
Nghe như thế nào?
Với trẻ 0-3 tuổi, nếu không muốn trẻ tiếp xúc với máy tính hay iPad, bố mẹ có thể tải về và chỉ cần cho trẻ nghe chứ không nhìn. Với trẻ trên 2-3 tuổi, bố mẹ có thể cho trẻ vừa nghe vừa xem với thời lượng hạn chế, chẳng hạn một video 1-2 phút một lần, lặp lại ba lần một ngày. Ngày hôm sau, bạn cho trẻ xem một video khác cũng với thời lượng và tần suất như vậy. Trẻ có thể kết hợp xem cái mới và ôn lại cái cũ một lần mỗi ngày. Việc để trẻ tiếp xúc với cùng một ngữ liệu lặp đi lặp lại sẽ giúp trẻ ghi nhớ được tốt hơn. Đồng thời ngữ liệu được thay đổi theo ngày để trẻ không cảm thấy nhàm chán.
Khi nghe, bố mẹ nên cùng con hát theo, nhắc lại lời bài hát hoặc từ trong video, vừa hát vừa kết hợp nhảy theo nhạc hoặc làm các động tác phù hợp với nội dung. Chẳng hạn, nghe về các bộ phận cơ thể thì chỉ tay vào các bộ phận cơ thể, nghe về các động từ chỉ hành động như đi bộ, nhảy, chạy, bò... thì cũng hành động như thế.
Nếu bố mẹ giỏi tiếng Anh, hãy giao tiếp với bé hàng ngày. Chọn một trong hai người giao tiếp hoàn toàn bằng tiếng Anh với bé là tốt nhất. Nếu không được như vậy thì bạn có thể giao tiếp với bé vào thời gian nhất định trong ngày, cố gắng cố định thời gian và giao tiếp bằng tiếng Anh hoàn toàn vào lúc đó. Bạn hãy chỉ và gọi tên đồ vật, con người, cuộc sống xung quanh, giải thích cho trẻ những hoạt động, hành động, hiện tượng.
Nếu bố mẹ không giỏi tiếng Anh, hãy để con nghe phần bài hát, file nghe hay video mẫu trước, rồi cố gắng tập nói với bé theo nội dung đó giống như một người bạn học. Phần nghe giúp bé có được phần input ngôn ngữ chuẩn, còn phần nói giúp bé được thực hành ngôn ngữ vào tình huống thực tế.
ko phai dau nha
tớ cảm ơn bạn Lê thị thùy linh