CÔ BÉ, ÔNG LÃO VÀ CHIẾC ÁO MƯA
Cơn mưa bất chợt đổ xuống đúng lúc. Hoa vội vàng, luống cuống, lo âu khi sực nhớ ra mình không mang áo mưa. Một ý nghĩ lóe lên trong đầu Hoa : “ Hay mình tắm mưa nhỉ ? Nhưng nhỡ cảm thì sao ? ” Rồi ý nghĩ liều lĩnh ấy vụt tắt. Cô bé lại phân vân: “ Chắc chẳng sao đâu, về nhà mình lau khô đầu là được chứ cứ đợi mưa tạnh thì đến tối mất”. Hoa liền cho cặp sách vào túi ni lông rồi lên xe phóng thẳng về nhà. Trời mưa to và lạnh quá. Về đến nhà thì cả người Hoa ướt sũng. Cô bé thấy trước cổng nhà có một ông lão đang trú mưa. Ông lão nói : “Cho bác đứng nhờ đây một tí nhé”. Hoa nói : “Vâng! ” Rồi vào nhà đóng sầm cửa lại. Chợt Hoa nhớ đến ông lão đứng trú mưa trước cửa nhà mình. Không suy nghĩ, Hoa vội vàng lấy chiếc áo mưa trong tủ, chạy ra đưa cho ông lão và nói : “Ông ơi! Ông mặc áo mưa về nhà đi kẻo muộn”. Ông lão nhìn Hoa trìu mến và cảm ơn rối rít. Hoa bỗng thấy vui vui vì mình đã làm được một việc tốt . . .
Phương Thúy
Câu 1 : Tan học, thấy trời mưa, Hoa đã làm gì ?
a. Chờ cho mưa tạnh rồi mới về.
b. Đạp xe đi tắm mưa.
c. Phân vân rồi đạp xe về nhà không cần áo mưa.
Câu 2 : Về đến nhà, Hoa như thế nào ?
a. Bị ướt một chút
b. Bị ướt sũng cả người
c. Mệt lả
Câu 3 : Vì sao Hoa vội lấy áo mưa cho Ông lão mượn ?
a. Nhà có áo mưa không dùng đến để trong tủ.
b. Sợ ông lão đứng lâu trước cửa nhà mình.
c. Sợ ông lão bị ướt và lạnh.
Câu 4 :Câu : “Hoa vội vàng, luống cuống, lo âu khi sực nhớ ra mình không mang áo mưa”. Thuộc kiểu câu gì ?
a. Ai là gì ?
b. Ai làm gì ?
c. Ai thế nào ?
Câu 5 : Gạch một gạch dưới bộ phận chủ ngữ và hai gạch dưới bộ phận vị ngữ của câu sau :
Ông lão nhìn Hoa trìu mến và cảm ơn rối rít.
Câu 6 : Câu sau “Ông ơi! Ông mặc áo mưa về nhà đi kẻo muộn”. thuộc kiểu câu gì ?
a) Câu kể
b) Câu hỏi.
c) Câu cảm.
d) Câu khiến.
Câu 7 : Em hãy viết một câu bộc lộ cảm xúc của em trước việc làm của cô bé với ông lão trong câu chuyên trên.
Câu 8: Xác định DT trong câu sau “ Cơn mưa bất chợt đổ xuống đúng lúc.”
a) Có một danh từ là : …………………………….
b) Có hai danh từ là : …………………………………….
c) Có ba danh từ là : …………………………….( cơn, mưa,lúc )
Câu 9: Chuyển câu sau “ Trời mưa to. “ thành câu:
a) Câu cảm……………………………………………………………………………
b) Câu khiến……………………………………………………………………………
Câu 10: Đặt câu có trạng ngữ chỉ nơi chốn.
Câu 11: Em hãy tả lại một đồ vật mà em yêu thích nhất
1. c
2. b
3. c
4. c
5. Ông lão (CN) nhìn Hoa trìu mến và cảm ơn rối rít. (VN)
6. d
7. Cô bé thật tốt bụng
8. Cơn mưa bất chợt đổ xuống đúng lúc.
a) Có một danh từ là : cơn mưa
b) Có hai danh từ là : cơn mưa, lúc
c) Có ba danh từ là : cơn, mưa, lúc
9. “Trời mưa to.“
a) Câu cảm: trời mưa to quá!
b) Câu khiến: trời đừng mưa to!
10. Em học được nhiều điều bổ ích ở trường.
11.
Để chuẩn bị vào năm học mới, bố mua cho em một bộ sách giáo khoa lớp Năm, trong đó có cuốn sách Tiếng Việt 5, tập hai mà em rất ấn tượng.
Quyển sách Tiếng Việt mới xinh xắn làm sao, nó có dạng hình chữ nhật. Bìa sách được trang trí bằng một bức tranh với nhiều màu sắc khác nhau. Mặt bìa láng bóng. Sách mới nên có mùi thơm của giấy và mực in. Quyển sách khá dày, gồm 176 trang. Ngoài bìa phía trên in chữ TIÊNG VIỆT 5, tập hai bằng mực xanh và đỏ. Phía dưới là bức tranh có các bạn nhỏ thuộc nhiều dân tộc khác nhau đang nói chuyện vui vẻ. Trước mặt các bạn, những cô chú xã viên đang miệt mài trồng lúa, cày bừa trên các thửa ruộng.
Xa xa là một ngôi làng nhỏ, mái ngói đỏ tươi nấp dưới những rặng tre đang rì rào ca hát. Xa nữa là biển cả mênh mông, từng đoàn tàu căng buồm ra khơi đánh cá. Trên bầu trời trong xanh, đàn hải âu đang nghiêng mình chao liệng. Lật sách ra, trang thứ nhất ghi tên các tác giả của quyển sách và một lần nữa chữ TIẾNG VIỆT 5, tập hai lại được lặp lại, có lẽ là để nhắc nhở chúng em hãy học tập tốt bộ môn Tiếng Việt. Trang 3 là chủ điểm "Người công dân" và một bức tranh vẽ cảnh các bạn thiếu niên khăn quàng đỏ thắm trên vai đang vui vẻ bỏ phiếu thể hiện vai trò và trách nhiệm của người công dân.
Trang số 4 ghi: "Tuần 19" và bài tập đọc "Người công dân số Một" nói về tâm trạng của người thanh niên Nguyễn Tất Thành trong việc đi tìm con đường cứu nước, cứu dân. Bên trong các bài học sắp xếp theo tuần, xoay quanh năm chủ điểm: Người công dân, Vì cuộc sống thanh bình, Nhớ nguồn, Nam và nữ, Những chủ nhân tương lai. Những trang giấy đều thuộc loại tốt nên chữ đen nổi bật trên nền giấy trắng tinh. Để thuận tiện cho việc học tập, sách đã sắp xếp khéo léo các bài học theo từng chủ điểm từng tuần học, từng phân môn.
Ngoài nội dung bằng chữ, sách còn ghép các bức tranh minh họa sinh động giúp các em hứng thú hơn trong học tập. Các phân môn học trong tuần gồm Tập đọc, Chính tả, Luyện từ và câu, Kể chuyện và Tập làm văn. Các phần ghi nhớ được đóng khung với nền màu xanh biếc, gây được sự chú ý nhất định cho người đọc. Trước mỗi chủ điểm sách đều dành hẳn một trang và hình minh họa cho chủ điểm đó. Mỗi bài học lại thường có hình minh họa rõ ràng, màu sắc hấp dẫn.
Quyển sách TIẾNG VIỆT 5, tập hai sẽ là người bạn đồng hành cùng em trong suốt học kì II, giúp em mở mang kiến thức và học tốt môn Tiếng Việt. Em quý quyển sách của em lắm! Hằng ngày, sau khi học bài xong, em bỏ nó vào cặp sách. Mai này dù lên lớp 6, em vẫn xem quyển sách ấy là người bạn tri kỉ giúp em vững kiến thức bước vào ngưỡng cửa cấp II.