[TÌM HIỂU NHỮNG VẤN ĐỀ VỀ LÍ LUẬN VĂN HỌC CHO VĂN CHUYÊN - PART 5]
“Mỗi công dân có một dạng vân tay
Mỗi nhà thơ thứ thiệt có một dạng vân chữ
Không trộn lẫn.”
(Lê Đạt)
~ GIÁ TRỊ CỦA VĂN HỌC ~
I. Giá trị thẩm mỹ
“Văn chương gì thì gì nhưng trước hết phải là văn chương cái đã.”
(Hoài Thanh)
Văn chương là một hình thức của cái đẹp, tuân thủ một cách hoàn hảo những quy luật từ vẻ đẹp tinh khôi của đời. Chính bản chất văn chương sẽ gây dựng nên tính thẩm mỹ cho tác phẩm, tạo tính đặc thù cho nghệ thuật. Đó có thể là một bức tranh, những hoạt cảnh sống động hay con người và cuộc đời với biết bao thăng trầm, biến động được chắt lọc một cách tinh tế và độc đáo. Ấy chính là một bước nâng vẻ đẹp sơ khai từ cuộc sống lên vẻ đẹp “quyến rũ" của nghệ thuật. Cuộc sống là chất liệu của văn học và nhà văn là người phải có đôi bàn tay khéo léo, nhào nặn những điều thô sơ đó, nâng đỡ chúng lên một tầm cao mới.
II. Giá trị nghệ thuật
“Văn chương là hình ảnh của cuộc sống muôn hình vạn trạng.”
(Hoài Thanh)
Kết tinh của quá trình sáng tạo và mài dũa dựa trên hình thức tác phẩm từ nhà văn chính là giá trị nghệ thuật. Nó bao gồm phương thức diễn đạt, biện pháp nghệ thuật, những kỹ xảo, … hay “dụng cụ" mà nhà văn sử dụng để tạo nên những hình tượng mang giá trị thẩm mỹ cao. Như vậy, giá trị nghệ thuật là cái vỏ bọc cho giá trị thẩm mỹ. Những phương diện hình thức tạo nên giá trị nghệ thuật bao gồm:
- Ngôn ngữ: gieo vần, đặt câu, ẩn dụ, hoán dụ, ngôi kể, cách đặt tên nhân vật ….
- Xây dựng yếu tố văn bản: chọn lọc chi tiết, miêu tả tính cách nhân vật, xây dựng tình huống, ….
- Kết cấu văn bản: mở đầu - kết đoạn, điểm nhìn trần thuật, cách dẫn từ không gian - thời gian - địa điểm, ….
- Phong cách: xây dựng giọng kể (giọng điệu nhân vật), cách dẫn vào đề tài, ….
III. Giá trị nhận thức
“Một bài thơ hay không bao giờ ta đọc qua một lần mà bỏ xuống được. Ta sẽ dừng tay trên trang giấy đáng lẽ lật đi, và đọc lại bài thơ. Tất cả tâm hồn chúng ta đọc …”
(Nguyễn Đình Thi)
Văn chương là thước đo một xã hội, một thời đại. Nó không bao giờ nằm ngoài chức năng phản ánh và tạo nên nhận thức con người, luôn là cột mốc đánh dấu những bước tiến của nhân loại trên con đường phát triển nhận thức. Mọi thứ trong văn chương đều được xây dựng thông qua lăng kính quan sát của tác giả và quá trình nghiệm sinh lâu dài trong cuộc đời của họ. Từ những tác phẩm văn học, con người đã có một cái nhìn mới về bản chất thật của cuộc sống, giúp học phân biệt xấu - đẹp, ác - thiện, giả - thật; mở ra một cánh cửa mới đến với thế giới của tư tưởng và triết niệm, nhân sinh con người. Văn chương như một mảnh ghép, giúp con người sống trọn vẹn cuộc đời của mình, khai phá những góc khuất trong họ. Văn chương đưa ta vào một thế giới mới, nơi thể hiện được tận cùng nỗi đau và bi kịch của con người.
IV. Giá trị giáo dục
“Tác phẩm nghệ thuật sẽ chết nếu nó miêu tả cuộc sống chỉ để miêu tả, nếu nó không phải là tiếng thét khổ đau hoặc lời ca tụng hân hoan, nếu nó không đặt ra những câu hỏi hoặc không trả lời những câu hỏi đó.”
(Belinsky)
Chức năng quan trọng nhất và cũng là cao cả nhất của văn chương ấy chính là làm sao cho cuộc sống trở nên tốt đẹp hơn, tâm hồn con người trở nên hướng thiện hơn. Do vậy mà chức năng giáo dục đã được xem như giá trị hàng đầu của văn chương, bởi nó có nhiệm vụ kiến tạo và nuôi dưỡng phần hồn chúng ta. Văn chương dạy cho ta những gì ta chưa có, khơi lên trong ta những tình cảm ta từng lãng quên, nhen nhóm ngọn lửa đồng cảm và lòng vị tha trong ta. Cũng vì thế mà văn học là chỗ dựa tinh thần của con người, nâng đỡ và khích lệ ta luôn vững bước trên con đường đến với hạnh phúc. Văn học nuôi dưỡng những điều mơ mộng, những ước mơ, khát vọng vươn ra khỏi những điều tầm thường, hữu hạn để đến với cuộc sống ý nghĩa và nhân văn.
___________________________________________________________________________
MỘT SỐ CÂU LÝ LUẬN VĂN HỌC HAY
01. "Khi một nhà văn mới xuất hiện, chúng ta bao giờ cũng tự hỏi: Anh ấy là người như thế nào? Liệu anh ta có mang lại điều gì mới trong cách nhìn đời cho chúng ta?"
(Lev Tolstoi)
02. "Thơ phải xuất phát từ thực tại, từ đời sống, nhưng phải đi qua một tâm hồn, một trí tuệ và khi đi qua như vậy, tâm hồn, trí tuệ phải in dấu vào đó thật sâu sắc, càng cá thể, càng độc đáo càng hay."
(Xuân Diệu)
03. "Mỗi tác phẩm phải là một phát minh về hình thức và khám phá về nội dung."
(Leonit Lenonov)
04. "Trước tiên là tiếng gọi của trái tim. Tiếng gọi của lương tâm và lòng tin ở tương lai không cho phép nhà văn đích thực sống trên Trái Đất như một bông hoa điếc và không truyền đạt hết mình cho đồng loại tất cả cái phong phú của tư tưởng và tình cảm tràn ngập chính tâm hồn nhà văn."
(Pautovsky)
05. "Thơ có thể bất chợt, rất nhẹ nhàng, chạm tới những tầng sâu, những nơi âm thầm nhất của phận người."
(Thanh Thảo)
Rcm cho mng cuốn "Thi nhân Việt Nam" của 2 tác giả là Hoài Thanh và Hoài Chân nhé! Siu hay ạ =))
:)