Ở một loài thực vật, alen A quy định hoa đỏ trội hoàn toàn so với alen a quy định hoa vàng; alen B quy định quả chín sớm trội hoàn toàn so với alen b quy định quả chín muộn.
Lai cây K của loài này với 3 cây khác cùng loài, thu được kết quả sau:
Phép lai (p) |
Tỉ lệ kiểu hình F1 |
Cây K x cây thứ nhất |
3 cây quả đỏ, chín sớm: 3 cây quả đỏ, chín muộn: 1 cây quả vàng, chín sớm: 1 cây quả vàng, chín muộn. |
Cây K x cây thứ hai |
3 cây quả đỏ, chín sớm: 3 cây quả vàng, chín sớm: 1 cây quả đỏ, chín muộn: 1 cây quả vàng, chín muộn. |
Cây K x cây thứ ba |
1 cây quả đỏ, chín sớm: 1 cây quả đỏ, chín muộn: 1 cây quả vàng, chín sớm: 1 cây quả vàng, chín muộn. |
Cho biết không xảy ra đột biến. Theo lí thuyết, trong các dự đoán sau, có bao nhiêu dự đoán đúng với dữ kiện của các phép lai trên?
(1) Hai cặp gen đang xét có thể nằm trên hai cặp nhiễm sắc thể khác nhau hoặc cùng nằm trên một cặp nhiễm sắc thể, cách nhau 50cM.
(2) Cho cây thứ nhất tự thụ phấn, thu được đời con có kiểu hình phân li theo tỉ lệ 1 : 1.
(3) Phép lai giữa cây thứ nhất với cây thứ hai cho đời con tỉ lệ phân li kiểu gen giống với tỉ lệ phân li kiểu hình.
(4) Phép lai giữa cây thứ nhất với cây thứ ba và phép lai giữa cây thứ hai với cây thứ ba đều cho đời con có kiểu hình phân li theo tỉ lệ 3:1.
A. 1.
B. 2.
C. 3.
D. 4.
Có 2 phát biểu đúng, đó là (1) và (3).
Giải thích:
- Dựa vào phép lai thứ nhất: Ở đời con, quả đỏ : quả vàng = 1:1
→ Aa x aa.
Chín sớm : chín muộn = 3:1
→ Bb x Bb.
Xét chung cả hai cặp tính trạng, chúng ta thấy rằng tỉ lệ kiểu hình ở đời con là 3:3:1:1 = tích tỉ lệ của hai cặp tính trạng là (3:1)(1:1)
→ Hai cặp tính trạng này di truyền phân li độc lập với nhau hoặc có hoán vị với tần số 50%.
→ (1) đúng.
Như vậy, ở phép lai một, kiểu gen của bố mẹ là AaBb x aaBb.
- Dựa vào phép lai thứ hai: Ở đời con, quả đỏ : quả vàng = 3:1
→ Aa x Aa.
Chín sớm : chín muộn = 1:1
→ Bb x bb.
Như vậy, ở phép lai hai, kiểu gen của bố mẹ là AaBb x Aabb. Kết hợp cả hai phép lai, chúng ta thấy đều có chung cây K. Do đó, cây K phải là cây có kiểu gen AaBb.
→ Cây thứ nhất có kiểu gen aaBb; cây thứ hai có kiểu gen Aabb.
- Ở phép lai 3, đời con có 4 kiểu tổ hợp với tỉ lệ 1:1:1:1 chứng tỏ cây thứ 3 phải có kiểu gen là aabb.
(2) sai. Vì cây thứ nhất có kiểu gen aaBb. Cây này tự thụ phấn sẽ cho đời con có tỉ lệ 3:1.
(3) đúng. Vì cây thứ nhất có kiểu gen aaBb, cây thứ hai có kiểu gen Aabb. Khi hai cây này lai với nhau thì đời con có tỉ lệ 1:1:1:1. Do đó, đời con có tỉ lệ kiểu gen = tỉ lệ kiểu hình.
(4) sai. Vì cây thứ 3 có kiểu gen aabb nên lai với cây thứ nhất (có kiểu gen aaBb) sẽ cho đời con có tỉ lệ kiểu hình 1:1.
→ Đáp án B.