Câu truyện:" Ba nói 9 điểm là làm xấu hổ ba con."
Chiều qua, một cậu học sinh lớp 11 nhắn tin cho tôi: “Thầy ơi, chiều nay ba con lại la con vì con thi toán chỉ được có 9 điểm. Ba nói 9 điểm là làm xấu hổ cho ba con". Biết chia sẻ gì với cậu ấy nhỉ? Đó là một học sinh khá giỏi mà tôi tình cờ quen trong một lần tới thư viện. Nhìn cách cậu đọc sách, rồi cẩn thận ghi chép lại nội dung đã đọc trong suốt hai giờ liền, tôi cảm nhận được cậu thật sự có phong cách học tập nghiêm túc. Cậu bé kể cậu được sinh ra trong một gia đình khá thành đạt về mặt học vấn. Đa số cô dì, chú bác... đều là thạc sĩ, tiến sĩ, nhiều người trong số đó nắm giữ vị trí quan trọng trong các công ty nước ngoài. Cũng bởi vậy mà chủ đề chính trong các buổi họp mặt gia đình luôn là trao đổi về việc học tập của đám trẻ. “Con anh, chị học hành ra sao? Kết quả thế nào?”. Rồi “Hồi xưa chú đạt giải thưởng này, cô đạt phần thưởng nọ… mấy đứa phải nhìn vào mà noi gương, làm sao giữ được truyền thống gia đình”. Cậu tâm sự rất hiếm khi được nghe người lớn trong nhà kể ngày xưa đi học nghịch như thế nào, yêu thích môn thể thao gì, kỷ niệm đáng nhớ của tuổi học trò là gì. Điều khiến cậu cảm thấy áp lực nhất có lẽ là khi cha mẹ, họ hàng đem kết quả học tập của con em mình ra so sánh. Đứa nào điểm số có vẻ thua chị kém em thì kiểu gì về nhà cũng bị cha mẹ chì chiết: "Thấy chưa, chỉ ăn với học không thôi mà cũng không nên hồn. Qua coi con bác Ba, chú Tư, cô Năm học hành thế nào rồi về lo mà học. Không có bóng banh, nhạc nhẽo gì hết...". Với cha mẹ cậu, điểm 9 không là gì cả, chỉ điểm 10 mới được chấp nhận. Cha mẹ thường nói với cậu: "Chọn lọc trong xã hội, trong công việc chỉ quan tâm đến người giỏi nhất, người ở vị trí số 1. Không là số 1 thì không còn là gì hết". Thế nên suốt 11 năm đi học, mỗi lần cậu bị điểm dưới 10 là cả một sự căng thẳng dày vò vì những lời chì chiết của cha mẹ kéo dài đến vài ngày. 11 năm đi học, cậu không biết thế nào là chơi thể thao với bạn, chưa từng trốn học một buổi... Cậu chỉ lao vào học, học và học như một robot để giữ được vị trí số 1 như cha mẹ mong muốn. Còn nhớ, trong lần tôi và cậu ngồi uống cà phê với nhau chừng 15 phút bên quán kề thư viện TP, cậu hỏi tôi một câu: “Thầy ơi, hồi thầy đi học thầy học thế nào, có bị điểm thấp bao giờ không? Chứ như ba mẹ con chắc cả đời đi học ba mẹ không có bao giờ bị điểm thấp đâu thầy nhỉ?”. Biết trả lời cậu ra sao đây khi quãng đời đi học đầy vui vẻ, hạnh phúc của tôi có rất nhiều ngày trốn học, có cả những lần không thuộc bài, những lần "ăn" điểm 1. Lúc ấy tôi chỉ biết cười và nói với cậu: “Hãy hài lòng với kết quả con đạt được khi con đã làm hết sức. Việc học là việc của con chứ không phải của ba mẹ con. Một điểm 9 đôi khi cũng như một chút muối được cho vào nồi chè để làm dậy hơn vị ngọt của nồi chè". Hôm nay, đọc đi đọc lại tin nhắn của cậu bạn nhỏ mà tôi thấy tội cho yêu cầu “điểm 10 hoặc không là gì cả” mà cha mẹ cậu đặt ra với con mình. Có vẻ như quãng đời đi học của cậu sẽ mãi mãi là những chuỗi ngày căng thẳng, căng thẳng đến cùng cực. Phụ huynh ơi, có thấu hiểu cho nỗi lòng con em mình không?"
"
Chắc hẳn hơn 90% quý phụ huynh trên đất nước này đều mong muốn con mình học thật giỏi để sau này trở thành người tài cho đất nước. Nhưng quý phụ huynh có hiểu được có rất nhiều thứ xung quanh bọn trẻ, hơn là chỉ có trường học. Con trẻ cần có thời gian để chơi thể thao, để tìm hiểu thế giới xung quanh, để nghe nhạc và tận hưởng cuộc sống vốn có của một đứa trẻ.
Đừng đè nặng áp lực học hành lên đầu của con cái nữa, hãy đặt mình vào vị trí của các em để suy ngẫm và thấu hiểu tâm tư của chúng. Bởi vì "học không chơi đánh rơi tuổi trẻ", đừng để các em bước vào đời với một niềm tiếc nuối vô bờ bến vì đánh mất cả tuổi thanh xuân của mình xung quanh những quyển sách, cây viết....😥 😥 😥 .
very good