Đề số 6
I. ĐỌC HIỂU
Đọc bài thơ sau và thực hiện các yêu cầu:
Hôm nay Cao – Bắc – Lạng cười vang
Dọn lán, rời rừng, người xuống làng
Người nói cỏ lay trong rừng rậm
Cuốc đất dọn cỏ mẹ khuyên con
Đường cái kêu vang tiếng ô tô
Trong trường ríu rít tiếng cười con trẻ
Mờ mờ khói bếp bay trên mái nhà lá
Từ nay không ngập cỏ lối đi
Hổ không dám đến đẻ con trong vườn chuối
Quả trong vườn không lo tự chín, tự rụng
Ruộng sẽ không thành nơi máu chảy từng vũng
Mặt trời lên! Sáng rõ rồi mẹ ạ!
Con đi bộ đội, mẹ ở lại nhà
Giặc Pháp, Mĩ còn giết người, cướp của trên đất ta
Đuổi hết nó đi, con sẽ về trông mẹ.
(Nông Quốc Chấn, Dọn về làng)
Câu 1. Đoạn thơ là lời của ai? Căn cứ vào đâu để xác định điều đó?
Câu 2. Đoạn thơ sử dụng với mật độ dày đặc từ loại gì? Nêu hiệu quả nghệ thuật của việc sử dụng từ ngữ, hình ảnh trong đoạn thơ.
Câu 3. Nêu ý nghĩa biểu tượng của hình ảnh mặt trời trong câu thơ “Mặt trời lên! Sáng rõ rồi mẹ ạ!”
Câu 4. Đoạn thơ thể hiện tâm tư, tình cảm gì của nhân vật trữ tình?
II. LÀM VĂN (7 điểm)
Câu 1. (2 điểm)
Từ nội dung bài thơ ở phần Đọc hiểu, hãy viết một đoạn văn (khoảng 200 chữ) trình bày suy nghĩ của anh (chị) về ý nghĩa của Tự do.
Câu 2 (5 điểm) Cho 2 đoạn thơ sau:
Xuân đương tới nghĩa là xuân đương qua
Xuân còn non nghĩa là xuân sẽ già
Mà xuân hết nghĩa là tôi cũng mất.
Lòng tôi rộng nhưng lượng trời cứ chật.
Không cho dài thời trẻ của nhân gian,
Nói làm chi rằng xuân vẫn tuần hoàn,
Nếu tuổi trẻ chẳng hai lần thắm lại!
Còn trời đất nhưng chẳng còn tôi mãi,
Nên bâng khuâng tôi tiếc cả đất trời;
Mùi tháng năm đều rớm vị chia phôi,
Khắp sông núi vẫn than thầm tiễn biệt…
Con gió xinh thì thào trong lá biếc,
Phải chăng hờn vì nỗi phải bay đi?
Chim rộn ràng bỗng đứt tiếng reo thi,
Phải chẳng sợ độ phai tàn sắp sửa?
(Trích Vội vàng – Xuân Diệu, Ngữ Văn 11, tập hai,
NXB Giáo dục Việt Nam, 2016, tr. 22)
Cuộc đời tuy dài thế
Năm tháng vẫn đi qua
Như biển kia dẫu rộng
Mây vẫn bay về xa
(Trích Sóng – Xuân Quỳnh, Ngữ Văn 12, tập một,
NXB Giáo dục Việt Nam, 2016, tr. 156)
Anh (chị) hãy phân tích 2 đoạn thơ trên để thấy được cảm nhận về những giới hạn của đời người và tuổi trẻ trong mỗi bài thơ.
ĐÁP ÁN
I. ĐỌC HIỂU
Câu 1.
Đoạn thơ trên là lời của người con nói với mẹ. Có thể xác định được điều đó là vì dựa vào các câu thơ:
Mặt trời lên! Sáng rõ rồi mẹ ạ!
Con đi bộ đội, mẹ ở lại nhà
Giặc Pháp, Mĩ còn giết người, cướp của trên đất ta
Đuổi hết nó đi, con sẽ về trông mẹ.
Câu 2.
- Đoạn thơ sử dụng với mật độ dày đặc các từ loại là động từ: cười, dọn, rời, xuống, nói, lay, cuốc, dọn, khuyên, bay, đến, đẻ, chín, rụng, chảy, đi ở, giết, cướp, đuổi, đi, trông, về.
- Sử dụng nhiều hình ảnh cụ thể, chân thực, mang màu sắc riêng của người miền núi kết hợp với nhịp thơ nhanh, ngắn, giọng điệu hân hoang, sảng khoái, làm nổi bật niềm vui hân hoan khi cuộc sống trở lại thanh bình, được làm chủ cuộc sống, làm chủ quê hương của mình.
Câu 3. Hình ảnh “mặt trời” có ý nghĩa tả thực nhưng còn là hình ảnh ẩn dụ, biểu tượng của niềm vui, chiến thắng, của lí tưởng, niềm tin.
Câu 4. Bài thơ thể hiện niềm vui sướng của nhân vật trữ tình khi quê hương Cao – Bắc – Lạng được giải phóng, nhân dân được tự do, phấn khởi xây dựng lại cuộc sống hòa bình, ấm no, hạnh phúc.
II. LÀM VĂN
Câu 1.
a. Yêu cầu về hình thức:
- Bài viết viết đúng 1 đoạn văn khoảng 200 chữ.
- Trình bày mạch lạc, rõ ràng, không mắc lỗi chính tả, dùng từ, đặt câu,…
b. Yêu cầu về nội dung:
Có thể triển khai đoạn văn theo các ý sau:
- Tự do hiểu ngắn gọn là quyền được sống và hoạt động xã hội theo ý nguyện cá nhân, không bị cấm đoán, ràng buộc hay xâm phạm. Tự do có nhiều cấp độ và hơn hết, nó chỉ có ý nghĩa khi gắn liền với sự tự do của cộng đồng, dân tộc.
- Mỗi cá nhân chỉ được tự do khi họ sống trong một đất nước độc lập, có chủ quyền. Khi họ được sống trong cộng đồng luôn đề cao giá trị của con người và biết tôn trọng những quyền cơ bản của nhau.
- Giá trị nhất của tự do là con người được sống theo ý nguyện riêng của họ. Ở đó, họ được độc lập, được vui chơi, được thể hiện mình, được cống hiến… được làm tất cả những điều không vi phạm pháp luật, không trái với đạo đức, với thuần phong mĩ tục của dân tộc đó.
- Có một điều quan trọng cần phải chú ý: Tự do là một trạng thái chứ không phải một điều kiện tồn tại. Bởi nó có liên quan đến sự lựa chọn và mục đích của mỗi cá nhân. Như thế, tự do gắn với từng việc nhỏ hàng ngày. Nếu chúng ta hiểu được nhu cầu của mình cũng như ý thức được khả năng, giới hạn năng lực của bản thân trong mọi việc, chúng ta sẽ có tự do. Ngược lại chúng ta sẽ trở thành nô lệ của chính mình từ những việc tưởng chừng như nhỏ nhất.
- Bất cứ sự tự do nào cũng có giới hạn của nó. Tự do chân chính phải gắn liền với đạo đức, phải phù hợp với những quy tắc và pháp luật và đặc biệt nó chỉ có ý nghĩa vẹn toàn khi sự tự do ấy luôn song hành với việc tôn trọng thế giới xung quanh.
Câu 2. Dàn ý:
I. Mở bài
- Giới thiệu tác giả, tác phẩm và đoạn trích.
- Ví dụ:
Xuân Diệu là nhà thơ mới nhất trong các nhà thơ mới, có vị trí quan trọng nhất trong phong trào Thơ Mới (1932 – 1945). Ở Xuân Diệu, có sự kết hợp giữa cổ điển và hiện đại, Đông và Tây trong tư tưởng và tình cảm thẩm mĩ. Song, văn hóa, văn học phương Tây in dấu ấn sâu đậm hơn trong thơ ca của tác giả. Xuân Diệu luôn nhìn cuộc đời bằng cặp mắt “xanh non”, “biếc rờn”. Bài thơ Vội vàng là một trong những bài thơ đặc sắc nhất của tập “Thơ thơ” (1938), tập thơ đầu tay của Xuân Diệu, thể hiện niềm yêu đời, khát sống, say đắm cuộc đời và đặc biệt là những quan niệm sống mới mẻ, tích cực. Trích đoạn trên vừa thể hiện niệm sống vừa là những cảm nhận của tác giả về giới hạn của đời người và tuổi trẻ trước bước đi của thời gian.
Xuân Quỳnh là một trong những nhà thơ nữ tiêu biểu của văn học thời kháng chiến chống Mĩ. Thơ Xuân Quỳnh in đậm vẻ đẹp nữ tính, là tiếng nói của một tâm hồn trắc ẩn, hồn hậu, luôn da diết khát vọng về hạnh phúc đời thường. Sóng là bài thơ hay trong tập Hoa dọc chiến hào (1968), một trong những bài thơ bộc lộ tâm hồn tươi trẻ nồng nhiệt, phong phú và giàu khát vọng. Đoạn trích thơ đề cập tới một quy luật rất thường của cuộc đời, qua đó bộc lộ 1 thoáng lo âu của nhà thơ trước những giới hạn của cuộc đời.
II. Thân bài
1. Khái quát
a. Vị trí, xuất xứ, hoàn cảnh sáng tác 2 tác phẩm
b. Cảm nhận chung
2. Phân tích cụ thể
2.1. Cảm nhận về những giới hạn của nhân vật trữ tình trong hai đoạn thơ
a. Cảm nhận về những giới hạn của nhân vật trữ tình trong đoạn trích của bài Vội vàng:
* Ý nghĩa nội dung:
- Quan niệm về thời gian tuyến tính: Xuân đương tới nghĩa là xuân đương qua/ Xuân còn non nghĩa là xuân sẽ già. Đây là quan niệm mới mẻ của văn hóa và tư duy phương Tây.
- Nhìn đời bằng cặp mắt xanh non biếc rờn: Vì cuộc đời ngắn ngủi nên phải sống hết mình trước thời gian tuổi trẻ, thời gian đời người.
- Cảm nhận về sự hữu hạn của không gian, trời đất: sông núi, trời đất đều nhuốm màu phôi pha, phai tàn.
- Cảm nhận về sự hữu hạn của đời người: Nếu tuổi trẻ chẳng hai lần thắm lại. Cảm thấy nôn nao lo sợ trước dòng thời gian chảy trôi. Vì những giới hạn ấy mà Xuân Diệu càng muốn đưa ra tuyên ngôn sống hết mình, sống tận hưởng, tận hiến.
* Ý nghĩa nghệ thuật:
- Sự phôi phai, giới hạn của thời gian, không gian được thể hiện thông qua hàng loạt các hình ảnh, trường từ vựng: “chia phôi”, “tiễn biệt”, “bay đi”, “đứt”,… diễn tả sự chia cắt, không trọn vẹn.
- Thời gian hữu hạn khiến không gian nhuốm màu chia ly, phôi pha cũng là dụng ý nghệ thuật của tác giả.
b. Cảm nhận về những giới hạn của nhân vật trữ tình trong đoạn trích của bài Sóng:
* Ý nghĩa nội dung:
- Nhân vật trữ tình “em” thể hiện niềm lo âu trước sự hữu hạn của thời gian không chỉ của tình yêu mà còn ngần ngại về cái mong manh, ngắn ngủi của đời người.
- Xuân Quỳnh thể hiện cảm nhận về sự giới hạn thông qua hai cặp hình ảnh: cuộc đời – tháng năm và biển rộng – mây bay xa. Từ đó khắc họa giới hạn của thời gian – không gian. Cuộc đời tưởng dài nhưng trước quy luật chảy trôi của thời gian, nó chỉ là thoáng chốc. Biển tưởng lớn nhưng còn những không gian muôn trùng bao la hơn biển. Cả thời gian – không gian vẫn cứ là hữu hạn so với khát vọng sống và khát vọng yêu của con người.
- Sự ám ảnh về thời gian, về mất mát của tuổi trẻ và sự phôi pha của tình yêu.
* Ý nghĩa nghệ thuật:
- Hình ảnh “mây bay”, “biển rộng” là những hình ảnh rất đời thường, bình dị, mộc mạc, nhưng chính vì thế nó diễn tả đơn giản và thấm thía nhất quy luật chảy trôi của cuộc đời.
- Điệp từ “vẫn” được nhắc lại trong khổ thơ cũng cho thấy cảm nhận của nhà thơ về sự giới hạn của cả chiều kích không gian – thời gian, cũng như nhấn mạnh tính bất biến của quy luật đời người.
2.2. Lý giải sự tương đồng và khác biệt
* Tương đồng:
- Hai đoạn thơ cùng phản ánh những cảm nhận về sự giới hạn và chấp nhận nó như một quy luật không thể khác; cùng là những cảm nhận xuất phát từ cảm thức thời gian, từ đó cho thấy quan niệm của hai nhà thơ về những giới hạn của tuổi trẻ, tình yêu, cuộc đời con người.
- Hai đoạn thơ cùng cho thấy những khát vọng tình yêu, khát vọng sống của nhân vật trữ tình, mặc cho những giới hạn.
- Qua đó, cùng cho thấy Xuân Diệu và Xuân Quỳnh dẫu không phải là những nhà thơ cùng thời nhưng đều là những hồn thơ chứa đựng niềm khát khao mãnh liệt với tình yêu, với hạnh phúc, với cuộc đời.
* Khác biệt:
- Ở Vội vàng, trong cảm nhận của Xuân Diệu có tâm thế thúc giục, vội vã, nôn nao để bắt kịp thời gian trôi, để cưỡng lại những hữu hạn.
- Ở Sóng, Xuân Quỳnh nói đến điều đó một cách giản dị, nữ tính, có sự điềm tĩnh như thể chấp nhận nó là một lẽ tất nhiên của cuộc đời.
3. Đánh giá
- Khẳng định lại giá trị nội dung, nghệ thuật của trích đoạn.
- Khẳng định về giới hạn của nhân vật trữ tình qua hai đoạn trích.
III. Kết bài
- Cảm nghĩ về hai đoạn thơ.
- Liên hệ mở rộng.