Đề số 10
I. ĐỌC HIỂU
Đọc đoạn trích sau và thực hiện các yêu cầu:
Về cơ bản, cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư – Cách mạng công nghiệp 4.0 sẽ dựa trên ba lĩnh vực chính:
(1) Kĩ thuật số: Bao gồm dữ liệu lớn (Big Data), vạn vật kết nối internet (IoT), trí tuệ nhân tạo (AI);
(2) Công nghệ sinh học: Ứng dụng trong nông nghiệp, thủy sản, y dược, chế biến thực phẩm, bảo vệ môi trường, năng lượng tái tạo, hóa học và vật liệu;
(3) Lĩnh vực vật lí: Robot thế hệ mới, in 3D, xe tự lái, các vật liệu mới (grapphene, skymions…), công nghệ nano.
Cuộc cách mạng công nghiệp này – dù mới bắt đầu, đang phá vỡ cấu trúc của hầu hết các ngành công nghiệp ở mọi quốc gia, báo trước sự chuyển đổi của toàn bộ hệ thống sản xuất, quản lí và quản trị.
Hàng tỉ người đang được kết nối với nhau thông qua điện thoại di động, qua mạng xã hội. Các thế hệ máy tính hiện nay đang có một sức mạnh xử lí chưa từng có với dung lượng lưu trữ tăng lên đáng kể cho phép con người dễ dàng truy cập vào kho kiến thức không giới hạn.
Hiện tại, trí thông minh nhân tạo hiện diện xung quanh chúng ta, từ xe tự lái, máy bay không người lái đến trợ lí ảo, các phần mềm dịch thuật hoặc tư vấn tài chính. Trong những năm gần đây, loài người đã đạt được tiến bộ đáng kể trong lĩnh vực trí tuệ nhân tạo nhờ vào sự gia tăng năng lực điện toán và khối lượng dữ liệu lưu trữ.
Nhìn một cách tổng quát, cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 sẽ làm tăng thu nhập và cải thiện chất lượng cuộc sống cho người dân toàn cầu, mà đối tượng được hưởng lợi nhiều nhất chính là người tiêu dùng. Công nghệ đã tạo ra những sản phẩm và dịch vụ mới làm tăng hiệu quả và niềm vui cuộc sống của mỗi cá nhân. Gọi taxi, đặt vé máy bay, đặt mua hàng hóa, thanh toán hóa đơn, nghe nhạc, xem phim, chơi game, chữa bệnh, đều có thể thực hiện từ xa.
Thế nhưng mặt trái của cách mạng công nghiệp 4.0 là có thể mang lại sự bất bình đẳng, đặc biệt là có thể phá vỡ thị trường lao động. Khi tự động hóa thay thế lo động chân tay trong nền kinh tế, khi robot thay thế con người trong nhiều lĩnh vực, hàng triệu lao động trên thế giới có thể rơi vào cảnh thất nghiệp, nhất là những người làm trong lĩnh vực bảo hiểm, môi giới, bất động sản, tư vấn tài chính, vận tải.
Điều này giải thích tại sao có rất nhiều người lao động thất vọng và sợ hãi rằng thu nhập của họ sẽ tiếp tục trì trệ, khiến con cái họ có một tương lai không hề tươi sáng. Nó cũng giúp giải thích tại sao các tầng lớp trung lưu khắp thế giới đang ngày càng trải qua một cảm giác bất mãn, không hài lòng. Một nền kinh tế mà kẻ chiến thắng sẽ giành được tất cả trong khi người trung lưu chỉ được một phần nhỏ, tất yếu sẽ tạo được ra một xã hội mất dân chủ và bất mãn, cũng có thể được nhân lên bởi các thiết bị công nghệ số và các mạng truyền thông xã hội.
(Trích Cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 làm thay đổi cuộc sống – Trần Đại Lộc,
Dẫn theo http://www.doanhnhancuoituan.com.vn, ngày 28-4-2017)
Câu 1. Xác định phương thức biểu đạt chính trong đoạn trích trên.
Câu 2. Những chuyển biển đột phát trong lĩnh vực nào làm nền tảng cho cuộc cách mạng công nghiệp 4.0?
Câu 3. Lợi ích mà con người được hưởng từ cuộc cách mạng công nghệ 4.0 là gì?
Câu 4. Tại sao một bộ phận trong xã hội lại đang tỏ ra thất vọng và sợ hãi khi đối diện với cuộc cách mạng công nghệ 4.0?
II. LÀM VĂN (7 điểm)
Câu 1. (2 điểm)
Dựa vào bài viết ở phần Đọc hiểu, anh (chị) hãy viết một đoạn văn (khoảng 200 chữ) trình bày suy nghĩ của mình về vấn đề: hành trang cần thiết của giới tẻ để có thể vững vàng bước vào cuộc cách mạng công nghệ 4.0.
Câu 2 (5 điểm)
Cô Hiền bên ngoại, chị Đại bên nội là những người đàn bà có đầu óc rất thực tế. Mọi sự việc đều được các bà ấy tính toán trước cả. Và luôn luôn tính đúng vì không có lòng tự ái, sự ganh đua, thói thời thượng chen vô. Không có cả sự lãng mạn hay mơ mộng vớ vẩn. Đã tính là làm, đã làm là không thèm để ý đến những đàm tiếu của thiên hạ. Cô tuyên bố thẳng thừng với tôi: “Một đời tao chưa từng bị ai cám dỗ, kể cả chế độ”. Gần ba chục tuổi cô mới đi lấy chồng, không lấy một ông quan nào hết, cũng chả hứa hẹn gì với đám nghệ sĩ văn nhân, đùa vui một thời son trẻ thế là đủ, bây giờ phải làm vợ, làm mẹ, cô chọn bạn trăm năm là một ông giáo cấp Tiểu học hiền lành, chăm chỉ, khiến cả Hà Nội phải kinh ngạc. Có gì mà kinh ngạc, cô đã tính trước cả. Sau khi sinh đứa con gái út, người con thứ năm, cô nói với chồng: “Từ nay là chấm dứt chuyện sinh đẻ, bốn mươi tuổi rồi, nếu ông và tôi sống đến sáu chục thì con út đã hai mươi, có thể tự lập được, khỏi phải sống bám vào các anh chị”. Là thôi hẳn. Cô bảo tôi: “Mày bắt nạt vợ mày quá, không để nó tự quyết định bất cứ việc gì, vậy là hỏng. Người đàn bà không nội tướng thì cái gia đình ấy cũng chả ra sao”. Khi các con còn nhỏ, ngồi vào bàn ăn, cô thường chú ý sửa chữa cách ngồi, cách cầm bút cầm đũa, cách múc canh, cả cách nói chuyện trong bữa ăn. Cô vẫn răn lũ con tôi: “Chúng mày là người Hà Nội thì cách đi đứng, nói năng phải có chuẩn, không được sống tùy tiện, buông tuồng”. Có lần tôi cãi: “Chúng tôi là người của thời loạn, các cụ lại bắt dạy con cái theo thời bình là khó lắm”. Cô ngồi ngẩn ra một lúc, rồi bảo: “Tao chỉ dạy chúng nó biết tự trọng, biết xấu hổ, còn sau này muốn ra sao thì tùy”.
Đầu năm 1965, Hà Nội có đợt tuyển quân vào chiến đấu trong Nam là đợt đầu tiên nên tuyển chọn rất kĩ càng, lứa tuổi từ mười tám đến hai lăm, diễn viên cải lương và kịch nói có, nhạc sĩ có, họa sĩ có, giáo viên trung học rất đông, là những chàng trai ưu tú của Hà Nội. Nghe nói khoảng sáu trăm sáu mươi người. Người con trai đầu của cô Hiền vừa tốt nghiệp trung học, tình nguyện đăng kí xin đi đánh Mĩ. Tháng 4 năm 1965, lên Thái Nguyên huấn luyện. Tháng 7 rời Thái Nguyên vào Nam. Họ có dừng lại Hà Nội vài giờ vào lúc tối, nhưng không một ai biết. Tôi hỏi cô: “Cô bằng lòng cho em đi chiến đấu chứ?”. Cô trả lời: “Tao đau đớn mà bằng lòng, vì tao không muốn nó sống bám vào sự hi sinh của bạn bè. Nó dám đi cũng là biết tự trọng”. Ba năm cô không nhận được một tin tức gì về đứa con đã ra đi, lại đến thằng em kế làm đơn xin tòng quân, cũng đòi vào chiến trường phía trong để gặp anh, nếu anh đã hi sinh thì nối tiếp chí hướng của anh. Tôi lại hỏi cô: “Cô cũng đồng ý cho nó đi à?”. Cô trả lời buồn bã: “Tao không khuyến khích, cũng không ngăn cản, ngăn cản tức là bảo nó tìm đường sống để các bạn nó phải chết, cũng là một cách giết chết nó”. Rồi cô chép miệng: “Tao cũng muốn được sống bình đẳng với các bà mẹ khác, hoặc sống cả, hoặc chết cả, vui lẻ thì có hay hớm gì”. Cũng may chú em tôi học rất giỏi, thi vào đại học với số điểm rất cao, nên nhà trường giữ lại. Tôi đến chúc mừng cô và em, cô nói: “Hiện tại thì nó may mắn hơn anh nó, nhưng nếu anh nó còn sống thì cũng chưa biết đứa nào may hơn đứa nào”. Cô tôi tính toán việc nhà việc nước đại khái là như thế.
(Trích Một người Hà Nội – Nguyễn Khải, Ngữ Văn 12, tập hai,
NXB Giáo dục Việt Nam, 2016, tr. 93 – 94)
Trên cơ sở hiểu biết về truyện ngắn Một người Hà Nội của Nguyễn Khải, nhất là đoạn trích trên, anh (chị) hãy phân tích để làm sáng rõ những vẻ đẹp của nhân vật cô Hiền.
ĐÁP ÁN
I. ĐỌC HIỂU
Câu 1. Phương thức biểu đạt chính của đoạn trích: Nghị luận.
Câu 2. Chuyển biến đột phát làm nền cho cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 nằm ở các lĩnh vực: kĩ thuật số, công nghệ sinh học và vật lí.
Câu 3. Nhìn một cách tổng quát, cuộc cách mạng công nghệ 4.0 sẽ làm tăng thu nhập, cải thiện chất lượng cuộc sống cho người dân toàn cầu, mà đối tượng được hưởng lợi nhiều nhất chính là người tiêu dùng. Công nghệ đã tạo ra những sản phẩm và dịch vụ mới làm tăng hiệu quả và niềm vui cuộc sống của mỗi cá nhân. Gọi taxi, đặt vé máy bay, đặt mua hàng hóa, thanh toán hóa đơn, nghe nhạc, xem phim, chơi game, chữa bệnh, đều có thể thực hiện từ xa.
Câu 4. Một bộ phận trong xã hội lại đang tỏ ra thất vọng và sợ hãi khi đối diện với cuộc cách mạng công nghệ 4.0, bởi nó phá vỡ thị trường lao động. Khi tự động hóa thay thế lao động chân tay trong nền kinh tế, khi robot thay thế con người trong nhiều lĩnh vực, hàng triệu lao động trên thế giới có thể rơi vào cảnh thất nghiệp.
II. LÀM VĂN
Câu 1.
a. Yêu cầu về hình thức:
- Viết đúng hình thức một đoạn văn khoảng 200 chữ.
- Trình bày mạch lạc, rõ ràng, không mắc lỗi chính tả, dùng từ, đặt câu,…
b. Yêu cầu về nội dung:
Có thể triển khai dựa trên các ý sau:
- Nhận thức đúng về cuộc cách mạng cộng nghệ 4.0: Đó là xu hướng tự động hóa và trao đổi dữ liệu trong cộng nghệ sản xuất.
- Tác động của cách mạng công nghệ 4.0 đến cuộc sống của chúng ta: Cách mạng 4.0 sẽ tiến tới loại bỏ những công việc phổ thông hoặc mang tính chất lặp đi lặp lại, thay thế toàn bộ bằng máy móc. Nhưng đồng thời, nhu cầu về nguồn lao động có thay nghề cao, tư duy sáng tạo, thực hiện những công việc phức tạp, làm chủ máy móc tăng lên.
- Hành trang chúng ta cần chuẩn bị để bước vào cuộc cách mạng công nghệ 4.0:
+ Trang bị kiến thức: Giờ đây, kiến thức là vô biên, việc học không có điểm dừng. Lao động nghề, lao động trình độ thấp phải không ngừng trau dồi để nâng cao tay nghề, làm sao để năng suất tối ưu hơn những dây chuyền sản xuất tự động. Lao động trình độ cao, bác sĩ, kĩ sư, giáo viên… cũng phải không ngừng học hỏi, không ngừng cầu tiến, vì sự phát triển của máy móc đang theo rất sát nhau đằng sau.
+ Thay đổi tư duy: Trong thời đại mới, sẽ không còn ai quan tâm đến một tấm bằng hình thức, đến nguồn gốc xuất thân hay những mối quan hệ. Trong tương lai, cơ hội dành ho tất cả mọi người là như nhau. Ai có thực lực, tạo ra nhiều giá trị cho xã hội hơn, người đó thắng.
+ Chủ động và năng động trong mọi việc: Phải chủ động học hỏi không ngừng, đón đầu xu hướng, thậm chí sáng tạo ra xu hướng thay vì chờ đợi kiến thức được “rót” vào mình một cách thụ động.
+ Chuẩn bị ngoại ngữ, tri thức công nghệ để hội nhập: Cách tốt nhất để không bị thế giới bỏ lại phía sau chính là hòa nhập vào thế giới đó. “Công dân toàn cầu” đang là từ khóa đi đôi với “Cách mạng 4.0”. Bạn không thể là một công dân toàn cầu nếu không giỏi ngoại ngữ. Bạn cũng không thể nghĩ đến chuyện làm chủ máy móc hay kết nối, hội nhập được với thế giới nếu còn mù mờ về công nghệ thông tin. Bạn phải hiểu bản thân mình muốn gì, làm được gì và nên làm gì, không ngừng so sánh và cạnh tranh.
Câu 2. Các ý chính cần triển khai, phân tích trong bài văn:
- Nhân vật trung tâm của truyện Một người Hà Nội – cô Hiền – được tác giả xây dựng là một người Hà Nội bình thường như bao nhiêu người Hà Nội khác, đã cùng Hà Nội, cùng đất nước trải qua những biến động thăng trầm, nhưng vẫn giữ được cái cốt cách, bản lĩnh văn hóa của con người nơi đây.
- Tính cách thẳng thắn, chân thành, không giấu giếm những quan điểm, thái độ của mình trước cuộc sống chính là nét đẹp tâm hồn, cá tính của cô. Trước niềm vui kháng chiến thắng lợi, miền Bắc bắt tay vào xây dựng cuộc sống mới, cô nhìn nhận một cách khách quan: “Vui hơi nhiều, nói cũng hơi nhiều”, “Chính phủ can thiệp vào nhiều việc của dân quá”, như là tập thể dục mỗi sáng, sinh hoạt văn nghệ mỗi tối, trai gái yêu nhau thế nào, thậm chí cả tiền công xá cho kẻ ăn người ở,… Đầu óc thực tế của cô tính toán khôn khéo mọi việc trước sau và đã tính là làm, đã làm là không thèm để ý đến những đàm tiếu của thiên hạ.
- Thời son trẻ, cô giao du với đủ loại thanh niên con nhà giàu, nghệ sĩ, văn nhân, nhưng khi phải làm vợ, làm mẹ, “cô chọn bạn trăm năm là một ông giáo cấp tiểu học hiền lành, chăm chỉ.” Cô sinh năm đứa con, đến đứa con gái út, cô nói với chồng: “Từ nay là chấm dứt chuyện sinh đẻ, bốn mươi tuổi rồi, nếu ông và tôi sống đến sáu chục thì con út đã hai mươi, có thể tự lập được, khỏi phải sống bám vào các anh chị”. Cô bảo ban, dạy dỗ con cháu cách sống làm một người Hà Nội lịch sự, tế nhị, hào hoa, biết giữ gìn phẩm chất, giá trị của người Hà Nội. Cô dạy con từ những việc nhỏ nhất: “ngồi vào bàn ăn cô thường chú ý sửa chữa cách ngồi, cách cầm bát đũa, cách múc canh, cả cách nói chuyện trong bữa ăn”, đến cái lớn nhất là quan niệm sống, lẽ sống: “Chúng mày là người Hà Nội thì cách đi đứng, nói năng phải có chuẩn, không được sống tùy tiện, buông tuồng […] Tao chỉ dạy chúng nó biết tự trọng, biết xấu hổ…”.
- Cuộc đời cô Hiền song hành cùng những chặng đường dài, những biến động lớn lao của đất nước. Lịch sử dân tộc được soi sáng qua số phận, cách ứng xử của từng cá nhân. Cô Hiền luôn giữ được những phẩm giá, nhân cách tốt đẹp của mình, sống vì vận mệnh của dân tộc, của đất nước. Xuất phát từ lí tưởng cao đẹp xây dựng một xã hội nhân ái, không có cảnh người bóc lột người, chế độ mới chỉ trân trọng sự lao động sáng tạo của từng người, không chấp nhận hiện tượng ông chủ và kẻ làm thuê. Vì thế sau hòa bình lập lại ở miền Bắc mới có chính sách cải tạo tư sản. Mặc dù có “bộ mặt rất tư sản, cách sống rất tư sản” nhưng cô Hiền không phải học tập, cải tạo vì cô “không bóc lột ai cả”. Cô mở cửa hàng bán đồ lưu niệm và tự tay làm ra sản phẩm: “Hoa rất đẹp, bán rất đắt… chỉ có một mình cô làm, các em thì chạy mua vật liệu…”. Cô không đồng ý cho chồng mua máy in và thuê thợ làm chỉ vì cô muốn góp phần vào công việc thực hiện chủ trương, chính sách của Đảng và Chính phủ để nhanh chóng khôi phục đất nước sau chiến tranh.
Bước vào cuộc kháng chiến chống Mĩ cứu nước, cô vô cùng thương con, lo lắng cho con nhưng sẵn sàng cho con ra trận như những thanh niên khác và mình cũng vui buồn, lo âu như những bà mẹ Việt Nam khác. Trước việc đứa con đầu tình nguyện xin đi đánh Mĩ, cô nói: “Tao đau đớn mà bằng lòng, vì tao không muốn nó sống bám vào sự hi sinh của bạn bè. Nó dám đi cũng là biết tự trọng”. Ba năm sau, đứa em theo bước anh, cũng đòi vào chiến trường, cô bày tỏ: “Tao không khuyến khích, cũng không ngăn cản, ngăn cản tức là bảo nó đi tìm đường sống để các bạn nó phải chết, cũng là một cách giết chết nó… Tao cũng muốn được sống bình đẳng với các bà mẹ khác, hoặc sống cả hoặc chết cả, vui lẻ thì có hay hớm gì.” Những bộc bạch giản dị, chân thành nhưng ngời sáng một tư cách tự trọng, một tấm lòng yêu nước thiết tha.
- Tác giả cho cô Hiền là “một hạt bụi vàng” của Hà Nội, là sự khẳng định những phẩm chất cao đẹp của con người cô, những tinh hoa trong bản chất người Hà Nội. Những người Hà Nội như cô bình thường và vô danh nhưng là “những hạt bụi vàng lấp lánh đâu đó ở mỗi góc Hà Nội”, tất cả đang “bay” lên cho đất kinh kì chói sáng những ánh vàng. Ánh vàng đó chính là truyền thống đẹp đẽ, cốt cách trong sáng của con người nơi đây.