Đề số 5
I. ĐỌC HIỂU (3 điểm)
Đọc câu chuyện sau và thực hiện yêu cầu bên dưới:
Một ngày mới lại bắt đầu, nghĩ đến 5 tiết dạy buổi sáng ở trường dạy nghề là tôi lại cảm thấy mệt mỏi. Không hiểu nguyên nhân gì mà mấy ngày gần đây tôi không còn hứng thú với công việc giảng dạy của mình nữa. Dường như thời gian đã làm giảm lòng nhiệt tình của một thầy giáo vốn được coi là yêu nghề như tôi.
Mở máy di động của mình ra, có một tin nhắn rất lạ: “Chào thầy giáo, tôi có một việc muốn gặp thầy, nếu có thời gian rỗi xin thầy nhắn lại cho tôi theo số điện thoại này. Cảm ơn thầy! Mary”. Cố lục trong trí nhớ người có tên Mary nhưng không ra. “Có thể là một khách hàng muốn sửa xe” – Tôi nghĩ. Vì ngoài thời gian giảng dạy, tôi còn nhận sửa xe cho khách hàng.
Trong khoảng thời gian rồi ngồi ở văn phòng nhà trường trước khi vào lớp, tôi gọi điện lại cho người có tên là Mary:
- Xin lỗi, đây có phải số máy của chị Mary không?
- Vâng, chính tôi đây.
- Chào chị, tôi là Mark, giáo viên trường dạy nghề sửa chữa ô tô, tôi nhận được tin nhắn của chị. Chắc chiếc xe của chị có vấn đề và cần tôi sửa?
- Ồ, xin chào thầy giáo, rất vui là thầy đã gọi điện lại cho tôi. Thầy có thể dành cho tôi vài phút được không? Khi nghe câu chuyện tôi kể, chắc chắn thầy sẽ rất vui. – Người phụ nữ đầu dây bên kia hào hứng.
- Có gì quan trọng thì chị cứ nói, nhưng tôi còn rất ít thời gian vì sắp phải vào lớp. – Tôi miễn cưỡng đáp khi nhìn đồng hồ thì chỉ còn vài phút nữa là phải vào lớp.
- Vâng, tôi sẽ nói ngắn gọn thôi. Tôi là Mary, y tá của một bệnh viện trong thành phố. Tối qua, trên đường về nhà, xe của tôi tự dưng bị hỏng giữa đường. Lúc đó đêm đã khuya, chỉ có một mình nên tôi rất lo lắng và không biết nên làm thế nào?
- Vậy tôi có thể giúp gì được?
- Dạ, thầy có thể nghe hết lời tôi nói không? Chỉ một chút thôi…
- Vâng, chị cứ tiếp tục đi. Tôi lại nhìn đồng hồ và khó chịu.
- Đúng lúc tôi đang bối rối thì đằng sau tự dưng có hai thanh niên lái xe tới, lao xuống xe và hỏi tôi chiếc xe bị làm sao, lúc đó, tôi vô cùng sợ hãi. Thầy biết không, hai chàng trai trẻ đó đã lụi hụi sửa xe cho tôi và thật không ngờ, chiếc xe đó lại chạy được.
- Vậy, bây giờ chiếc xe của chị ra sao? Có cần phải sửa chữa gì không? Chị nên đi kiểm tra một lần nữa xem sao.
- Không, nó vẫn chạy tốt. Chả là, khi hai thanh niên đó sửa xe cho tôi xong, tôi gửi tiền công nhưng họ không lấy. Tôi hỏi nên tên, họ cũng không trả lời, họ chỉ nói với tôi họ là học trò cũ của thầy. Do đó tôi muốn cảm ơn thầy!
- Gì cơ? Học sinh cũ của tôi à? Chị không biết họ tên của họ à?
- Thật đáng tiếc, họ không nói. Họ chỉ đưa cho tôi tên và số điện thoại của thầy. Tôi chỉ muốn nói với thầy một câu: Cảm ơn thầy đã dạy dỗ được những trò sinh tốt như vậy!
Trong mấy chục năm đứng trên bục giảng, không nhớ có bao nhiêu khóa học sinh tôi đã trực tiếp giảng dạy. Không chỉ dạy học sinh nhưng kiến thức cơ bản về sửa chữa ô tô, tôi còn kể cho họ nghe những câu chuyên hay về đạo làm người. Nhưng không ngờ những học sinh đó vẫn còn nhớ những câu chuyện của tôi.
- Thầy giáo Mark, thầy còn nghe tôi nói không? Tôi chỉ muốn gặp thầy để nói lời cảm ơn.
- Không, chị Mary. Người nói lời cảm ơn phải là tôi.
Trên quãng đường lên lớp để tiếp tục công việc của mình, tôi dường như cảm thấy mình đã trở thành một con người hoàn toàn khác. Lần đầu tiên trong suốt mấy chục năm làm giáo viên tôi mới ý thức được rằng công việc của mình thật cao quý và ý nghĩa. Và đối với một giáo viên như tôi, phần thưởng này tuy đến muộn nhưng lại là phần thưởng lớn nhất trong cuộc đời.
(Dẫn theo http://www.mangthuvien.com)
Câu 1. Câu chuyện hấp dẫn bởi sự bất ngờ. Anh (chị) hãy tóm tắt tình huống bất ngờ của truyện.
Câu 2. Sau khi sửa xe cho chị Mary xong, hai thanh niên đã hành động như thế nào? Theo anh (chị), hành đó nhằm mục đích gì?
Câu 3. Trong đoạn hội thoại – Thầy giáo Mark, thầy còn nghe tôi nói không? Tôi chỉ muốn gặp thầy để nói lời cảm ơn.
- Không, chị Mary. Người nói lời cảm ơn phải là tôi.
Tại sao thầy giáo Mark lại muốn cảm ơn chị Mary? Anh (chị) hiểu như thế nào về câu nói của thầy giáo Mark trong lời đối thoại ở trên?
Câu 4. Bài học ý nghĩa nhất mà anh (chị) rút ra được từ câu chuyện trên là gì?
II. LÀM VĂN (7 điểm)
Câu 1. (2 điểm)
Anh (chị) hãy viết một đoạn văn (khoảng 200 chữ) trình bày cách hiểu của mình về suy nghĩ của thầy giáo Mark trong câu chuyện đã dẫn ở phần Đọc hiểu trên: Lần đầu tiên trong suốt mấy chục năm làm giáo viên tôi mới ý thức được rằng công việc của mình thật cao quý và ý nghĩa. Và đối với một giáo viên như tôi, phần thưởng này tuy đến muộn nhưng lại là phần thưởng lớn nhất trong cuộc đời.
Câu 2 (5 điểm)
Cảm nhận của anh (chị) về đoạn thơ sau:
Những người vợ nhớ chồng còn góp cho Đất Nước những núi Vọng Phu
Cặp vợ chồng yêu nhau góp nên hòn Trống Mái
Gót ngựa của Thánh Gióng đi qua còn trăm ao đầm để lại
Chín mươi chín con voi góp mình dựng đất Tổ Hùng Vương
Những con rồng nằm im góp dòng sông xanh thẳm
Người học trò nghèo góp cho Đất Nước mình núi Bút, non Nghiên
Con cóc, con gà quê hương cùng góp cho Hạ Long thành thắng cảnh
Những người dân nào đã góp tên Ông Đốc, Ông Trang, Bà Đen, Bà Điểm
Và ở đâu trên khắp ruộng đồng, gò bãi
Chẳng mang một dáng hình, một ao ước, một lối sống ông cha
Ôi Đất Nước sau bốn nghìn năm đi đâu ta cũng thấy
Những cuộc đời đã hóa núi sông ta.
(Trích Mặt đường khát vọng – Nguyễn Khoa Điềm, Ngữ văn 12, tập một,
NXB Giáo dục Việt Nam, 2015, tr. 120)
ĐÁP ÁN
I. ĐỌC HIỂU (3 điểm)
Câu 1.
Thầy Mark nhận được tin nhắn của một người lạ. Thầy cứ ngỡ người đó nhờ thầy giúp chuyện sửa xe, nhưng không, người phụ nữ đó muốn nói chuyện với thầy chỉ là để gửi lời cảm ơn vì hai học trò cũ của thầy đã giúp chị trong lúc chị không biết phải xử lí ra sao khi xe ô tô của mình bị hỏng. Thầy Mark bất ngờ và xúc động vì đã dạy dỗ được những học trò tốt và không khỏi tự hào về nghề dạy học của mình.
Câu 2.
Sau khi sửa xe cho chị Mary xong, hai thanh niên không lấy tiền công, không để lại tên. Họ chỉ nói là họ là học trò của thầy Mark. Hai thanh niên đưa cho chị Mary tên và số điện thoại của thầy Mark để nếu chị muốn cảm hơn thì hãy cảm ơn thầy Mark.
Hành động của hai thanh niên (vốn là cựu học sinh của thầy Mark) hết sức có nghĩa. Cách hành xử của họ thay cho lời khẳng định rằng họ muốn nhớ về công ơn dạy dỗ của người thầy cũ. Nếu chị Mary tìm gặp người thầy cũ để cảm ơn, hai thanh niên tin rằng thầy sẽ rất hạnh phúc vì có những học trò thầy dạy năm xưa giờ đã trưởng thành, họ chẳng những thạo về nghề mà còn là những người tốt trong xã hội.
Câu 3.
Cách ứng xử của thầy Mark chắc chắn khiến cho chị Mary cảm thấy bất ngờ nhưng nó lại vô cùng hợp lí trong hoàn cảnh ấy. Chị Mary vì được học trò cũ của thầy Mark sửa xe cho mà tìm đến trường để cảm ơn thầy. Tuy nhiên, câu chuyện mà chị kể đã khiến thầy Mark cảm thấy vô cùng hạnh phúc, thầy nhận ra công việc của mình thật vô cùng cao quý và ý nghĩa. Ngày hôm ấy thầy đã nhận được một phần thưởng là món quà tinh thần vô giá. Đó chính là lí do thầy Mark muốn nói lời cảm ơn đến chị Mary.
Câu 4.
Câu chuyện là bài học vô cùng ý nghĩa về cách hành xử của con người. Hai người thanh niên rất giản dị nhưng cũng rất thông minh, khéo léo bày tỏ sự biết ơn đối với người thầy của mình. Ngược lại, cách ứng xử của thầy Mark cũng cho thấy sự đáng kính của một nhà sư phạm mẫu mực.
II. LÀM VĂN (7 điểm)
Câu 1.
a. Yêu cầu về hình thức:
- Bài viết viết đúng 1 đoạn văn khoảng 200 chữ.
- Trình bày mạch lạc, rõ ràng, không mắc lỗi chính tả, dùng từ, đặt câu,…
b. Yêu cầu về nội dung:
Có thể triển khai đoạn văn theo các ý sau:
* Giải thích rõ những ẩn ý trong suy nghĩ của thầy Mark: câu chuyện của chị Mary về hai người học trò cũ đã khiến thầy Mark đang trong một tâm trạng hết sức uể oải đã trở nên phấn chấn hẳn lên. Thầy nhận thấy cuộc sống và công việc của bản thân là cao quý và ý nghĩa. Đó là công việc dạy dỗ, hoàn thiện nhân cách, năng lực nghề nghiệp của biết bao thế hệ và phần thưởng to lớn nhất mà thầy nhận được đó là sự trưởng thành của học trò. Học trò trở thành những người công dân tốt, có ích cho xã hội.
* Phân tích:
- Con người khi mới sinh ra chưa hình thành nhân cách, nhân cách được hình thành trong quá trình sống, lao động và học tập, trong đó có sự giáo dục đóng vai trò quyết định.
- Vai trò của giáo dục thể hiện ở chỗ: xây đắp, bồi dưỡng cho mỗi người những kiến thức về cuộc sống, những cách ứng xử cao đẹp… khiến họ trở thành những người công dân tốt.
- Giáo dục gồm giáo dục trong nhà trường, gia đình và xã hội. Đó là quá trình học tập suốt đời không ngừng nghỉ. Song quá trình học tập trong nhà trường, dưới sự hướng dẫn của thầy cô là bước khởi đầu quan trọng nhất. Đó là nền móng của mỗi người trong suốt những giai đoạn về sau.
* Bài học:
- Cần đề cao giáo dục, đề cao vai trò của người thầy, đề cao tinh thần tôn sư trọng đạo.
- Mỗi cá nhân cần xác định cho mình phương châm sống tốt để mỗi khi trở lại trường xưa, thầy cô luôn tự hào về người trò cũ.
Câu 2. Dàn ý:
I. Mở bài
- Giới thiệu khái quát về tác giả, tác phẩm
- Dẫn dắt tới đoạn thơ cần phân tích.
II. Thân bài
1. Khái quát:
a. Giới thiệu vị trí, xuất xứ, hoàn cảnh sáng tác
b. Giá trị nội dung, nghệ thuật của đoạn thơ.
2. Cụ thể: Cảm nhận về đoạn thơ:
- Nhà thơ đã liệt kê những danh lam thắng cảnh nổi tiếng trên mọi miền đất nước, thể hiện niềm tự hào kiêu hãnh về vẻ đẹp của giang sơn gấm vóc.
- Đặc biệt, tác giả không nhìn những danh lam thắng cảnh ấy bằng nhãn quan của một du khách say sư chiêm ngưỡng vẻ đẹp của giang sơn đất nước mà đặt chúng trong mối quan hệ với bề dày văn hóa dân gian, với đời sống tinh thần cao đẹp của dân tộc, đem đến cho người đọc cái nhìn mới mẻ, sâu sắc về không gian địa lí như một cách gián tiếp ca ngợi truyền thống văn hiến lâu đời và vô cùng phong phú cao đẹp của dân tộc.
- Từ những vẻ đẹp cụ thể, hữu hình của giang sơn, gấm vóc, trong mối quan hệ với đời sống văn hóa tinh thần của dân tộc, nhà thơ đã đúc rút, nâng lên thành những suy tư đậm màu sắc triết luận “Những cuộc đời đã hóa núi sông ta”, làm nổi bật tư tưởng bao trùm xuyên suốt bài thơ đó là: Đất Nước của Nhân dân; Đất nước của ca dao, thần thoại.
3. Đánh giá:
- Đoạn thơ nằm trong mạch nguồn của hành trình đi tìm câu trả lời cho câu hỏi Đất nước là gì? Qua đây ta cũng thấy được những gương mặt vô danh, những tập thể anh hùng đã góp phần dựng xây và tạo nên hình hài cho Đất Nước như ngày nay.
III. Kết luận
- Khẳng định lại giá trị nội dung, nghệ thuật của đoạn thơ,
- Đây cũng là một trong những đoạn thơ hay thể hiện rõ nhất tư tưởng bao trùm tác phẩm, cũng như màu sắc triết luận của Nguyễn Khoa Điềm về Đất Nước.
- Mở rộng, nâng cao.