Báo cáo học liệu
Mua học liệu
Mua học liệu:
-
Số dư ví của bạn: 0 coin - 0 Xu
-
Nếu mua học liệu này bạn sẽ bị trừ: 2 coin\Xu
Để nhận Coin\Xu, bạn có thể:
Phần 2 SVIP
Phần 3 (2 khổ thơ tiếp): Nỗi nhớ, lòng thủy chung của người con gái trong tình yêu.
- Hai khổ thơ tiếp tục là cấu trúc song song, trùng điệp, lúc phân tách, lúc hòa nhập của hai hình tượng trữ tình sóng và em.
Khổ 5:
- Một khám phá đặc tính của sóng tương đồng với tình cảm của con người, đó là những nỗi nhớ nhung muôn hình vạn trạng trong tình yêu:
+ Nỗi nhớ có khi thầm kín mà rạo rực, mãnh liệt cuộn trào trong lòng biển cả: “con sóng dưới lòng sâu”.
+ Cũng có những nỗi nhớ lại thể hiện bộc trực và khao khát, tựa như con sóng gầm gào trên mặt biển: “Con sóng trên mặt nước”.
- Nỗi nhớ thể hiện một khao khát yêu thương mãnh liệt. Nó tha thiết, sôi nổi, bất chấp mọi quy luật của cuộc sống:
+ Với nghệ thuật điệp liên hoàn, những lớp sóng tình vô hồi vô hạn nối tiếp, thôi thúc, xô đẩy về “bờ”, về bến đậu.
+ Nó vượt thoát khỏi mọi không gian (dưới lòng sâu – trên mặt nước), mọi thời gian (ngày đêm) hay những trạng thái sinh học tự nhiên (mơ – thức).
+ Thán từ “Ôi” xuất hiện như một sự vượt thoát mạnh mẽ vì không thể kìm nén. Phép nhân hóa hình ảnh con sóng khẳng định một khát vọng tất yếu xảy ra trong tự nhiên và cũng là trong tình yêu: con sóng mong xô vào bờ cát cũng như con người mong cập bến bờ hạnh phúc.
Ôi con sóng nhớ bờ
Ngày đêm không ngủ được
Lòng em nhớ đến anh
Cả trong mơ còn thức
- Ngôn ngữ thơ vừa gần gũi với đời sống, giản dị, tự nhiên và cũng tràn đầy lãng mạn, nữ tính. Những biện pháp nhân hóa, điệp ngữ, và sử dụng nhiều hình ảnh biểu tượng tạo ra những lớp sâu nghệ thuật.
Khổ 6:
Dẫu xuôi về phương bắc
Dẫu ngược về phương nam
Nơi nào em cũng nghĩ
Hướng về anh - một phương
* Hai câu đầu:
- Nhân vật trữ tình thể hiện hoàn cảnh trắc trở trong tình cảm lứa đôi. Những sóng gió, thử thách trong tình yêu dường như là khó có thể tránh khỏi:
+ Sử dụng điệp ngữ và tiểu đối để thể hiện những trắc trở éo le, chồng chéo của tình cảm.
+ Các danh từ chỉ hướng “Bắc – Nam” đã gợi ra sự xa xôi, cách trở.Trong ca dao dân ca, Bắc – Nam thường là để chỉ sự chia cách, ngăn trở về cả nghĩa đen lẫn nghĩa bóng trong tình yêu lứa đôi:
Cách nhau chỉ một con đò
Ai xui Bắc đợi, Nam chờ, hỡi sông?
(Ca dao)
Hay chính Xuân Quỳnh cũng từng nói đến sự cách trở này trong câu thơ:
Vừa thoáng tiếng còi tàu
Lòng đã Nam đã Bắc
(Sân ga chiều em đi, Xuân Quỳnh)
+ Cách nói thông thường là: “xuôi Nam, ngược Bắc” nhưng Xuân Quỳnh lại viết là: “xuôi bắc - ngược nam” dường như đã hàm chứa trong đó éo le, diễn tả những thiên biến vạn hóa của cuộc đời.
* Hai câu sau:
- Đối lập lại với cái thường biến của sự vận động nhân sinh ấy là sự bất biến của tình yêu thủy chung, son sắt, và đây là vẻ đẹp mang tính truyền thống của người phụ nữ Việt Nam:
+ “Nơi nào em cũng nghĩ/ Hướng về anh – một phương”. Với người con gái đang yêu, dường như không còn khái niệm phương hướng địa lý mà chỉ còn một phương duy nhất – “phương anh” - nơi không còn buồn đau, bất hạnh, nơi bến bờ bình yên.
+ Kết cấu “dẫu – thì” (chữ “thì” bị ẩn đi): khẳng định rõ hơn tấm lòng thủy chung, khao khát chiến thắng cả những quy luật biến chuyển vô thường của cuộc đời và cõi sống.
→ So với những người phụ nữ trong xã hội cũ, tiếng lòng khao khát yêu đương sôi nổi, mãnh liệt đã được nói lên một cách chân thành, táo bạo không hề giấu giếm.
Phần 4 (3 khổ cuối): Khát vọng về tình yêu vĩnh cửu, bất diệt.
Khổ 7:
Ở ngoài kia đại dương
Trăm nghìn con sóng đó
Con nào chẳng tới bờ
Dù muôn vời cách trở
- Nhân vật trữ tình đã bộc lộ niềm tin phơi phới vào những kết thúc có hậu của tình yêu nhân loại. Đó là khao khát nhân bản và đầy lãng mạn của người con gái trong tình yêu:
+ Sóng: không chỉ biểu tượng cho người con gái trong tình yêu, mà rộng hơn thế, nó là hiện diện cho tất cả những người đang yêu và khao khát yêu một cách tha thiết, chân thành.
+ Bờ: ẩn dụ cho bến đậu, là “phương” “sóng hướng đến, là tôn chỉ, là mục đích của những người đang yêu.
+ “muôn vời cách trở” chính là phép ẩn dụ cho những thử thách, khó khăn trong tình yêu, kết hợp cùng với nghệ thuật đảo ngữ và sử dụng quan hệ từ “Dù” khiến cho câu thơ như một tiếng dằn lòng: luôn phải vượt lên những khó khăn, thử thách để giữ gìn tình yêu và hạnh phúc.
→ Đó là sự chủ động vượt thoát, quyết tâm đi tìm bến bờ của riêng mình, và tin rằng nhất định tình yêu đẹp đẽ sẽ đến với bản thân. Đó là vẻ đẹp hiện đại trong tiếng thơ Xuân Quỳnh.
- Ngôn ngữ thơ mang âm hưởng của cách nói dân gian trong ca dao, dân ca ví dụ như cặp hình ảnh “sóng/ thuyền – bờ/ bến” để nói lên những xúc cảm hiện đại, mạnh mẽ và khẳng định các quy luật tình cảm của con người.
Khổ 8:
- Từ khao khát hạnh phúc mãnh liệt, sự nhạy cảm của nữ giới đã dẫn dắt giọng thơ đến những trăn trở về nhân sinh, cuộc đời. Khó khăn, thử thách đặt ra để con người vượt qua dường như chưa phải là giới hạn cuối cùng, mà thời gian mới là nỗi lo cản trở và chia cắt tình yêu.
Cuộc đời tuy dài thế
Năm tháng vẫn đi qua
Như biển kia dẫu rộng
Mây vẫn bay về xa
- Hai cặp câu theo kết cấu đối lập (câu 1 – câu 2 và câu 3 – câu 4 với các cặp quan hệ từ tuy – vẫn, dẫu – vẫn ) nối với nhau bằng từ “như” để nhấn mạnh những quy luật tất yếu của cuộc sống:
+ Quy luật thời gian: đời người có dài tới mấy so với dòng chảy vô biên của vũ trụ đều trở nên nhỏ bé, hữu hạn.
+ Quy luật không gian: biển tuy rộng nhưng cũng chỉ là khoảng hữu hạn so với đường đi vô hạn của vũ trụ.
→ Thấy được sự mâu thuẫn trong tâm hồn nhạy cảm của nữ giới: khao khát yêu đương mãnh liệt >< sự hữu hạn, nhỏ bé của kiếp người.
Sự trôi chảy không ngừng của thời gian dường như vẫn ám ảnh nhiều trong tác phẩm của những nhà thơ nhiệt thành với cuộc sống:
Xuân đương tới, nghĩa là xuân đương qua,
Xuân còn non, nghĩa là xuân sẽ già,
Mà xuân hết, nghĩa là tôi cũng mất.
Lòng tôi rộng, nhưng lượng trời cứ chật,
Không cho dài thời trẻ của nhân gian,
(Vội vàng, Xuân Diệu)
- Khổ thơ thể hiện tâm trạng đặc biệt nhạy cảm của người phụ nữ trong tình yêu. Nhất là đối với Xuân Quỳnh, khi đã có nhiều những trải nghiệm vất vả, nhọc nhằn dẫn đến sự bất an, lo sợ.
Khổ 9:
- Suy nghĩ như thế nhưng thơ Xuân Quỳnh không dẫn người ta đến bế tắc, buồn chán mà chuyển hóa thành khát vọng. Từ tự nhận thức, khám phá, Xuân Quỳnh đã mang đến giải pháp:
Làm sao được tan ra
Thành trăm con sóng nhỏ
Giữa biển lớn tình yêu
Để ngàn năm còn vỗ
- “Tan ra” là biểu hiện cho khát vọng muốn dâng hiến, yêu thương. Điều này khác hẳn với những khát vọng được tận hưởng vô biên tuyệt đích tình yêu dạt dào mãnh liệt của Xuân Diệu trong “Biển”:
Anh xin làm sóng biếc
Hôn mãi cát vàng em
Hôn thật khẽ, thật êm
Hôn êm đềm mãi mãi
Đã hôn rồi, hôn lại
Cho đến mãi muôn đời
Đến tan cả đất trời
Anh mới thôi dào dạt...
- Việc dâng hiến, quan tâm, yêu thương và chăm sóc là khát vọng dịu dàng, giàu sức sống và đức hi sinh, là biểu tượng cho mẫu tính.
- Nhà thơ khao khát tình yêu của mình hoà trong tình yêu của mọi người. “Tan ra” không phải mất đi mà là sự hài hoà giữa cái chung và cái riêng. Đó là tiếng lòng của nhà thơ và cũng là khao khát của nhân loại muôn thuở. Đời người hữu hạn nhưng những con sóng tình yêu sẽ thay con người vỗ mãi cho đến ngàn năm, hòa nhập vào tự nhiên vĩnh cửu. Những tiếng lòng đồng vọng của muôn đời sẽ hòa vào nhau, sẽ giữ mãi nhịp thở bồi hồi của những khao khát yêu đương trong trái tim tuổi trẻ
→ Khát vọng được bất tử hóa tình yêu.
Em trở về đúng nghĩa trái tim em
Là máu thịt, đời thường ai chẳng có
Cũng ngừng đập lúc cuộc đời không còn nữa
Nhưng biết yêu anh cả khi chết đi rồi
(Tự hát, Xuân Quỳnh)
Đấy tình yêu, em muốn nói cùng anh:
Nguồn gốc của muôn ngàn khát vọng
Lòng tốt để duy trì sự sống
Cho con người thực sự Người hơn.
(Nói cùng anh, Xuân Quỳnh)
III. Tổng kết
1. Nội dung:
- Soi mình vào sóng, hóa thân vào sóng, tác giả đã bộc lộ một cái “tôi” đang yêu nồng nhiệt, đầy chủ động, kiêu hãnh nhưng cũng thường trực nỗi khắc khoải tự nhận thức về mình, về hành trình hạnh phúc trong các quy luật muôn thuở của cõi người.
- Diễn tả những cung bậc cảm xúc phong phú, phức tạp của tâm hồn người con gái khi yêu: tha thiết, dịu dàng, mãnh liệt, khao khát vượt lên được những quy luật tất yếu của cuộc đời.
- Ngợi ca vẻ đẹp vừa truyền thống, vừa hiện đại của người con gái: thủy chung, dịu dàng, bao dung, tự tin, chủ động, táo bạo và quyết liệt.
- Bài thơ đưa ra được góc nhìn mới mẻ về tình yêu chân thành, cao đẹp, từ đó biết trân trọng hơn những tình cảm đáng quý của con người.
2. Nghệ thuật:
- Sáng tạo nên một ẩn dụ xuyên suốt và bao trùm tác phẩm, đó là hình tượng “sóng”. Kết cấu song trùng, tương ứng, hòa nhập, đắp đổi giữa “sóng” và “em” lúc đan cài, hòa nhập, khi lại tách rời, độc lập để soi chiếu lẫn nhau.
- Âm điệu bài thơ là âm điệu của sóng biển đồng thời cũng là âm điệu của sóng lòng được tạo nên bởi:
+ Thể thơ 5 chữ đều đặn, cô đọng, hàm súc.
+ Cách ngắt nhịp linh hoạt.
+ Cặp câu đối xứng trải dài suốt tác phẩm.
+ Hình tượng sóng trở đi trở lại (khoảng 10 lần) khiến ý thơ mang âm điệu trùng điệp, mãnh liệt mà tha thiết.
- Ngôn ngữ thơ tinh tế, gợi cảm, gần với ngôn ngữ ca dao, dân ca.
Bạn có thể đánh giá bài học này ở đây